Sáng 14-7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện dự thảo báo cáo "Bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành: Phân tích hệ thống pháp luật quốc gia". Hội thảo nhằm thảo luận, tìm hiểu sâu hơn khung pháp lý của Việt Nam và đóng góp ý kiến, khuyến nghị giải quyết tình trạng bóc lột tình dục trẻ em, đặc biệt là vấn đề du lịch tình dục trẻ em.
Cần có khung pháp lý hoàn chỉnh để phát triển du lịch an toàn Ảnh: TẤN THẠNH
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng xâm hại tình dục trẻ em nói chung, du lịch tình dục trẻ em nói riêng đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. "Chính sách hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực và chính sách quốc gia về phát triển du lịch đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều thách thức, trong đó có vấn đề liên quan đến sự gia tăng tội phạm về tình dục trẻ em nói chung, tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành nói riêng" - bà Thoa khuyến cáo.
Theo bà Thoa, để ngăn chặn vấn nạn này, đòi hòi phải có những chính sách pháp luật chặt chẽ nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi liên quan đến tình dục trẻ em cũng như đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện trong việc bảo vệ và thực hiện quyền của trẻ em.
Báo cáo của UNODC tại hội thảo cho biết trong hơn 20 năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đều mỗi năm. Tình hình này cũng làm gia tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em. Trong năm 2016, xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Con số này tuy giảm so với 2 năm trước nhưng tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, trong đó các hành vi như xâm hại tình dục trẻ em và khách du lịch xâm hại rất khó xử lý. Theo UNODC, tội phạm có thể là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài vào Việt Nam thông qua con đường du lịch.
Liên quan đến việc xây dựng khung pháp lý để ngăn chặn bóc lột tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành, ông Christopher Batt, phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam, cho biết vào năm 2014, UNODC đã thực hiện các đánh giá luật ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và xây dựng báo cáo "Bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch và lữ hành: Phân tích khung pháp luật quốc gia". Từ khi báo cáo được công bố, Việt Nam và các quốc gia khác đã nỗ lực cải cách quy trình pháp lý, đồng thời có những sửa đổi pháp luật hình sự về bóc lột tình dục trẻ em. Do vậy, một báo cáo sửa đổi về bóc lột tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành và du lịch đã được soạn thảo để cập nhật và phân tích các khung pháp lý quốc gia mới.
"Bên cạnh việc phản ánh những tiến bộ gần đây về luật pháp và chính sách ở các nước tham gia dự án, báo cáo này đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho công tác cải cách đang diễn ra. Các khuyến nghị này là căn cứ để Chính phủ các nước thúc đẩy cải cách pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả hơn cuộc chiến chống lại những đối tượng phạm tội liên quan đến du lịch tình dục trẻ em" - ông Christopher Batt nhấn mạnh.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đều có chung nhìn nhận các đối tượng phạm tội tình dục trẻ em trong hoạt động lữ hành có thể lợi dụng khả năng di chuyển ngày càng dễ dàng nhờ hội nhập để tăng khả năng tiếp cận với các trẻ em dễ bị tổn thương; khai thác các kẽ hở trong luật, không bị phát hiện nên không bị đưa ra công lý. Do đó, cần phải có các biện pháp ứng phó toàn diện và mang tính phối hợp trong thực thi pháp luật ở cả phạm vi quốc gia và hợp tác với các đối tác khu vực.
Vấn đề cấp bách
Ông Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần có một báo cáo khảo sát về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em trong lĩnh vực du lịch, lữ hành để nhận diện rõ các hành vi phạm tội và đề ra biện pháp ngăn chặn. Theo ông Nhưỡng, việc bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục trong ngành du lịch, bao gồm các biện pháp pháp lý trở thành vấn đề mang tính cấp bách.
Bình luận (0)