Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và diễn đàn xã hội là hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP HCM - trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng đập các công trình lấn chiếm vỉa hè, xử lý ô tô đỗ sai phép... Việc làm này bỗng trở thành “hiện tượng” trong việc thực thi quy định về trật tự đô thị.
Nhưng ngẫm lại, việc dọn dẹp vỉa hè, xử lý các hành vi vi phạm chính là trách nhiệm thường ngày của cơ quan quản lý hành chính nhà nước kia mà! Vỉa hè hễ ai lấn chiếm là vi phạm và cơ quan chức năng phải xử phạt để trả lại cho người dân. Đây là việc rất bình thường nhưng nó trở nên bất thường bởi thực tế quyền này lâu nay không được thực thi chu toàn.
Hầu như vỉa hè ở quận nào của TP HCM cũng bị lấn chiếm. Không chỉ thế, vỉa hè của các TP lớn như Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng lâm vào tình trạng tương tự. Riêng TP HCM, lãnh đạo cấp cao của TP đã tuyên bố chủ tịch phường và trưởng công an phường nào để vỉa hè bị lấn chiếm hoặc tái chiếm (sau khi đã “đòi lại”) thì bị xử lý trách nhiệm. Vậy nhưng, thực tế thì vỉa hè vẫn bị lấn chiếm, tái chiếm và không ai bị xử lý cả. Tức là ở dưới không sợ? Từ đây, người ta nghi ngờ rằng vỉa hè ở nhiều nơi đã được đem “bán” nên mới sinh ù lì, cù cưa cù nhầy khi “đòi lại” như vậy.
Những nghi ngờ trên rõ ràng có cơ sở bởi nếu cơ quan quản lý địa phương mạnh tay thì không ai có thể dễ dàng lấn chiếm vỉa hè như thế được. Vỉa hè trước nhà hàng, khách sạn, quán ăn bị chiếm dụng làm bãi giữ xe; vỉa hè trước nhiều cơ quan thành nơi đỗ ô tô; vỉa hè ở những con đường đẹp biến thành quán cà phê... là những gì đang diễn ra trong thực tế. Nó phổ biến đến nỗi người dân xem đây là chuyện bình thường và không còn quyết liệt hoặc chán nản không muốn đòi lại quyền được sử dụng vỉa hè của mình.
Thành công bước đầu của UBND quận 1 trong “chiến dịch” trên đã đặt ra hàng loạt vấn đề nhưng gần gũi nhất chính là những quận, huyện khác vẫn chưa xem đây là trách nhiệm mà mình phải thực thi. Những lý do được đưa ra như ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp, đụng chạm đến tài sản của người khác, làm mất “cần câu cơm” của người nghèo... chỉ là ngụy biện. Viện cớ như trên chỉ nhằm che đậy yếu kém trong quản lý xã hội, xuề xòa cho sự thiếu trách nhiệm và che đậy cho những vấn đề “nhạy cảm” khó nói khác của một số người có quyền hạn và quyền lợi liên quan.
Người dân luôn mong chờ và hoan nghênh quyết tâm “đòi lại” vỉa hè. Quyền được hưởng những tiện ích công cộng phải được thượng tôn và người dân có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện trách nhiệm của mình. Một chính quyền phục vụ không cần phải nhìn đâu xa, nó được thực hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực vì quyền lợi của người dân - đối tượng đóng thuế để nuôi bộ máy nhà nước.
Bình luận (0)