xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trên “nóc nhà” thủ đô

Bài và ảnh: Mạnh Duy

Đứng trên “nóc nhà” thủ đô chúng tôi cảm nhận được sự lãng mạn, yêu đời của những cán bộ kiểm lâm quanh năm suốt tháng sống ở nơi cao trên 1.000 m

Từ khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, vị trí cao nhất thủ đô đã thuộc về đỉnh núi Ba Vì, thay vì đỉnh núi Sóc Sơn như trước đây. Một lần lên thăm “nóc nhà” của Hà Nội mới, chúng tôi đã được chứng kiến nhiều câu chuyện thú vị, nhiều mảnh đời lặng lẽ đang giữ gìn “lá phổi xanh” của thủ đô và những di tích thiêng liêng của người Hà Nội.

 

Những chàng lính “ngự lâm”

 

Cách Hà Nội chừng 60 km về hướng Tây, Vườn quốc gia Ba Vì được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thủ đô ngay từ khi địa giới hành chính của Hà Nội còn chưa “ôm” lấy tỉnh Hà Tây. Đứng trên đỉnh Ba Vì nhìn về hướng Đông xa xa có thể thấy được một Hà Nội thân thương, gần gũi. Chợt nghĩ, không biết nếu Vườn quốc gia này không tồn tại thì bầu không khí ở Hà Nội sẽ trở nên ngột ngạt, oi bức biết nhường nào. 

Chúng tôi quyết định “hành quân” lên đỉnh Ba Vì tìm hiểu xem cuộc sống ở nơi cao nhất Hà Nội đang diễn ra như thế nào.  Đường lên Ba Vì bây giờ đã dễ đi hơn nhiều, chỉ phải cái càng lên cao không khí loãng dần và cũng lạnh dần. Thỉnh thoảng, một vài đám mây trắng bay qua trước mặt mà cứ ngỡ  như là sương chưa kịp tan. Hướng dẫn viên của chúng tôi trong chuyến du ngoạn lên đỉnh Ba Vì là trạm trưởng trạm kiểm lâm phân khu nghiêm ngặt, hạt phó hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì- anh Đỗ Hữu Thế. Anh Thế giới thiệu về “ngôi nhà” của các anh: “Chúng tôi chỉ có 5 anh em mà phải quản lý hơn 700 ha rừng với toàn những loài gỗ quý hiếm”. Xe chúng tôi chạy thẳng từ chân núi lên đến trạm kiểm soát ở độ cao 1.100 m mất chừng 45 phút. Tới đây cũng còn phải đi bộ cả giờ nữa mới lên đến được đỉnh Vua, cao 1.296 m.

img
 Đền thờ Bác Hồ ở nơi cao nhất Hà Nội

Thú thực với những người leo núi không chuyên như chúng tôi, khi “bò” được lên đỉnh Vua để mà thỏa cái khát khao ngắm nhìn Hà Nội ở nơi cao nhất thì cũng là lúc chúng tôi cảm thấy thấm mệt. Thế mà với các cán bộ kiểm lâm của trạm thì việc lên xuống nơi này diễn ra hằng ngày như... đi chợ. Anh Thế và các đồng nghiệp của anh chào đón chúng tôi bằng những cái bắt tay thật chặt. Tôi gọi họ là những chàng lính “ngự lâm”. Họ được giao trọng trách- giữ gìn phân khu nghiêm ngặt của Vườn quốc gia được mệnh danh là lá phổi xanh của thủ đô. Mỗi người có một cơ duyên với Ba Vì trước khi cùng nhau tụ hội trên đỉnh núi này. Anh Thế kể: “Tôi lên Ba Vì từ năm 1987, khi Hà Nội phát động phong trào thanh niên xung phong trồng rừng”. Cái nghiệp trồng rừng khiến anh yêu nó để rồi xác định gắn bó lâu dài với nơi này. Từ hàng trăm thanh niên của Lâm trường Thanh niên Hà Nội ngày ấy, anh Thế là một trong hai người được chọn ra để gửi đi đào tạo ở Trường Đại học Lâm nghiệp. Thấm thoát đã được 22 năm, từ ngày anh đặt chân đến Ba Vì. Cái thời cơm ăn không đủ no, rồi còn phải đi bộ từ chân núi lên đỉnh núi đã qua rồi nhưng nỗi vất vả thì chưa hẳn là đã hết.

img
 Đội kiểm lâm trên “nóc nhà” Hà Nội

Anh Thế chỉ tay sang những người đồng nghiệp của mình để giới thiệu những cán bộ kiểm lâm thường phải làm việc ở điểm cao 1.296 m. Anh Đinh Văn Bim, được coi là “trưởng lão” của nhóm 5 người lính “ngự lâm”. Các thành viên khác như anh Đỗ Quang Đông, Đỗ Viết Bình và Nguyễn Văn Thiện đều lên nhận công tác ở điểm cao nhất thủ đô cách đây chưa lâu. Anh Đông kể: “Anh em ở đây chỉ có đôi chút vất vả khi trời về mùa đông, phải chịu lạnh hơn ở dưới một chút thôi. Còn lại thì sống gần thiên nhiên cũng có nhiều cái sướng”. Ấy là lạc quan và yêu nghề nên anh Đông nói thế chứ tôi biết hằng ngày để có đủ nước sinh hoạt, các anh vẫn phải lấy nước từ điểm 1.100 m lên tới đỉnh- chặng đường mà chúng tôi vừa đi vừa leo thong thả cũng mất chừng 45 phút. Còn mùa đông thời tiết “hơi lạnh hơn ở dưới” như anh Đông nói thì nhiệt độ cũng đã có lúc xuống chỉ còn 1-20C. Những cái sướng mà chúng tôi cảm nhận được không phải là không có. Đứng ở đây ngày nào trời quang mây nhìn về trung tâm thủ đô, cảm xúc xốn xang, tự hào trào dâng. Còn bình thường thì chỉ làm bạn với chim, sóc rừng. Sống ở nơi cao nhất nên có vẻ như ai cũng lãng mạn và yêu thiên nhiên.

 

Canh giữ đỉnh núi linh thiêng

 

Nhắc tới dãy núi Ba Vì, người ta nhớ ngay đến truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh - kể về khát vọng đắp đê, trị thủy của cư dân lúa nước Bắc Bộ. Cái tên Ba Vì có nguồn gốc từ 3 ngọn núi cao nhất trong dãy núi này được đặt tên là đỉnh Vua (cao 1.296 m), đỉnh Tản Viên (1.227 m) và đỉnh Ngọc Hoa (1.131 m).

Trên đỉnh Tản Viên có đền thờ Thánh Tản Viên- một trong “tứ bất tử” của người Việt. Trên đỉnh Vua cao nhất của dãy Ba Vì từ 10 năm trở lại đây còn xuất hiện thêm một di tích nữa là đền thờ Bác Hồ. Có một câu chuyện rất thú vị liên quan đến di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với đỉnh núi này. Dưới đây là trích đoạn di chúc của Bác Hồ viết năm 1969: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đình đám, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là hỏa táng... Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo, Ba Vì hình như có nhiều đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi...”

img
Anh Đỗ Quang Đông (bìa phải) ngoài nhiệm vụ kiểm lâm còn kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn cho khách thập phương lên đỉnh núi Ba Vì thăm đền thờ Bác

Năm 1999, kỷ niệm 30 năm thực hiện di chúc của Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây trên đỉnh Ba Vì một đền thờ Bác. Không thực hiện được trọn vẹn lời di chúc của Người nhưng dù sao thì mong mỏi có được một nơi thờ yên lành trên đỉnh Ba Vì của Bác lúc sinh thời cũng đã trở thành hiện thực. Từ khi trên hai đỉnh núi của dãy Ba Vì song song tồn tại hai di tích, những cán bộ kiểm lâm nơi đây còn có thêm nhiệm vụ trông nom, giữ gìn và hương khói cho hai đền thờ này. “Công việc này thì thực sự chẳng có anh em nào được đào tạo cả, nhưng tất cả đều làm bằng tình yêu và sự kính trọng của mình với Bác”- anh Thế giãi bày. Đội “ngự lâm” 5 người của trạm kiểm lâm thường cắt cử hai anh em cắm chốt ở điểm cao nhất để thay phiên túc trực. Họ đôi khi kiêm luôn cả nhiệm vụ “hướng dẫn viên” cho khách thập phương lên thắp hương viếng Bác.

Chia tay những anh chàng “ngự lâm” lãng mạn, yêu đời, trong suốt chặng đường xuống núi tôi cứ nghĩ vẩn vơ đến câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Các anh giờ đã trở thành những người sống trên mảnh đất thủ đô hoa lệ nhưng lại chấp nhận hy sinh cuộc sống riêng tư để chọn một công việc lặng lẽ, không ồn ào. Có lẽ, ở nơi cao nhất thủ đô các anh cũng cảm thấy hạnh phúc vì được đóng góp một phần nhỏ bé cho việc giữ gìn lá phổi xanh Hà Nội và cả sự linh thiêng trên đỉnh núi mang tên Ba Vì.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo