Những tráng đinh đang thực hiện nghi thức thả thuyền câu
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân sống trên đảo Lý Sơn đã có cách đây hơn 400 năm. Vào tháng 2 âm lịch hằng năm, triều đình nhà Nguyễn ra đảo Lý Sơn tuyển mộ 70 tráng dân mạnh khỏe, bơi lội giỏi để gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa. Mỗi dân binh được vua ban 6 tháng lương thực và 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài. 70 người sẽ lên 5 chiếc thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa tuần canh, đến tháng 8 âm lịch thì trở về đảo Lý Sơn. Thường thì những dân binh này có đi nhưng không về, nên trước khi lên thuyền làm nhiệm vụ theo lệnh vua ban, các họ tộc trên đảo tổ chức lễ Khao lề thế để yên lòng người ra đi. Từ đó đến nay, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nào cũng được tổ chức, hàng ngàn con cháu các tộc họ trên đảo lại tập trung, bàn soạn lễ vật, nhang đèn với lòng thành kính để dâng lên tổ tiên, ông bà mình.
TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, nhấn mạnh: “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được xem như di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đặc biệt là giá trị về việc khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Bình luận (0)