Gần đây, giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã mật phục thực tế nhiều ngày để thu thập hình ảnh, clip về xe quá tải làm chứng cứ xử lý cán bộ thanh tra giao thông.
Mật phục là hình thức “vi hành” bí mật để kiểm tra xử lý sao cho cấp dưới tâm phục khẩu phục. Thiết nghĩ, căn bệnh quan liêu xa rời dân đồng hành với mọi chính quyền và một bộ phận không ít lãnh đạo các cấp. Những chuyến “vi hành” của những người đứng đầu đâu có phải là biện pháp đánh bóng tên tuổi, vị thế chính trị? Năng “vi hành” cũng là một biện pháp hữu hiệu để sát với công việc, sát dân, công chức, người lao động, hiểu được những bức xúc của họ, như kênh thông tin để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của xã hội.
Không “vi hành” thì không hiểu dân, xa dân chỉ lý thuyết suông. “Vi hành” không cần báo trước, không cần “tiền hô hậu ủng” mới thấy được cuộc sống muôn màu của người dân, của công việc, sắc màu sáng tối, những góc khuất. Là lãnh đạo phải như thế mới thực sự là lãnh đạo đúng nghĩa, tránh được chuyện nghe cán bộ các cấp báo cáo láo, làm láo báo cáo hay.
Phải xem “vi hành” là nhằm giúp thẩm định tính xác thực các thông tin thu nhận được mà chưa rõ ràng, còn hồ nghi. “Vi hành” chính là gửi đi thông điệp cho cấp dưới về sự giám sát thường xuyên của cấp trên, cái mà chúng ta đang thiếu khi ỷ lại vào những cái gọi là “quy trình” mang tính hình thức.
Trong 4 bước của quản lý là lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát. Trong đó, kiểm tra giám sát là khâu yếu nhất hiện nay.
Thật ra, mật phục là hành động quản lý không bình thường, có tính du kích, không chính quy cho lắm đối với yêu cầu về một nền công vụ chính quy hiện đại. Tuy nhiên, trong tình trạng nền công vụ thiếu kỷ cương trầm trọng thì rất nên mật phục. Phải xem đây là giải pháp tình thế áp dụng cho thời kỳ đặc biệt kỷ cương xuống cấp trầm trọng hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo phải năng “vi hành”, kiểm tra, mật phục đến khi nào lập lại kỷ cương bộ máy vận hành trong trạng thái bình thường trở lại.
Mật phục cũng là một chỉ báo về tình trạng trên không tin dưới. Mà tin sao được khi cấp dưới thường cho cho cấp trên uống thuốc “an thần”, cộng với bệnh thành tích đang ru ngủ lâu nay trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ trong nền công vụ.
Đúng là kiểm tra đâu cũng có tiêu cực, nơi nào lơ là kiểm tra, không sâu sát thì sẽ có tiêu cực. Vì vậy, lãnh đạo cần mật phục, năng vi hành, tránh tình trạng nhiều địa phương báo chí phản ánh lãnh đạo không tin, phóng viên đi điều tra bị làm khó, lãnh đạo không tiếp thì cả xã hội phải chung tay cùng nhau giám sát.
Bình luận (0)