Với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”, diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020” tổ chức ngày 7-6 tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu. Trong đó, hơn 30 người là các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công đang làm việc tại các tổ chức quốc tế, các trường ĐH ở Mỹ, Pháp, Úc, Nhật…
Nguồn lực dồi dào
Tham dự diễn đàn, TS Trần Hải Linh, công tác tại ĐHQG Chonbuk (Hàn Quốc), cho rằng đội ngũ chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với tiềm lực rất đáng kể và đều mong muốn cống hiến cho đất nước nhưng vẫn còn bị những hạn chế, như thiếu thông tin, thiếu cầu nối…
“Gần 400.000 Việt kiều sinh sống ở nước ngoài là các chuyên gia, trí thức được đào tạo bài bản. Việt Nam sẽ thành công nếu biết khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực của đội ngũ trí thức Việt kiều” - TS Linh nhìn nhận.
16 bài tham luận và 14 ý kiến tại diễn đàn đã tập trung thảo luận các nội dung: đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Các đại biểu mong muốn Bộ Ngoại giao, Ban Kinh tế trung ương sẽ đưa diễn đàn thành sự kiện thường niên.
Cần vươn ra thế giới
Phân tích các vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính Việt Nam, GS Nguyễn Đức Khương (IPAG Business School, Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tại Pháp) nhấn mạnh: “Khi đặt Việt Nam trong sự vận động chung của hệ thống tài chính quốc tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự mất cân đối của thị trường vốn với sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực ngân hàng. Thị trường chứng khoán vẫn còn non trẻ và đang ở giai đoạn tiền mới nổi, chưa được doanh nghiệp trong nước coi như một nguồn vốn ổn định và hiệu quả”.
Theo GS Khương, cần tham gia cuộc chơi “có tính bắt buộc” của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó. Về giải pháp có thể thực hiện được trong ngắn và trung hạn, GS cho rằng với lợi thế là một quốc gia có tiềm năng về lương thực thực phẩm, Việt Nam có thể nghiên cứu xây dựng một thị trường hàng hóa cấp khu vực. Đây cũng là cách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược ở nước ta.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng (Mỹ), cho rằng cần tập trung vào các giải pháp chuẩn bị cho ngành ngân hàng Việt Nam hội nhập quốc tế. Trong đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, giảm số ngân hàng thương mại xuống còn 15; nâng vốn chủ sở hữu của vài ngân hàng đầu tàu lên tối thiểu 5 tỉ USD để có thể mở rộng hoạt động và cạnh tranh trong khu vực; nhanh chóng xử lý nợ xấu. Ngoài ra, một hành lang pháp lý mới phải được xây dựng vì hiện nay, các bộ luật còn chồng chéo và thiếu sót, nghiêng về bảo vệ người vay hơn là người cho vay…
Về nguyên nhân chậm phát triển nông nghiệp và nông thôn, GS Nguyễn Quốc Vọng, ĐH RMIT (Úc), lý giải là do việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ vào chuỗi ngành hàng, những hạn chế trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý. Đặc biệt, hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn đã và đang làm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu không ứng dụng được công nghệ cao, dẫn đến chất lượng thấp, giá xuất khẩu chỉ đạt 50%-60% giá trung bình của thế giới.
GS Vọng nêu rõ để đột phá, nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân; xây dựng chuỗi ngành hàng; tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp.
Cần đổi mới nhiều ở cấp ĐH
Chia sẻ những nghiên cứu của mình về cải cách giáo dục ĐH, đào tạo nhân lực, TS Trần Hải Linh nhận định học sinh tốt nghiệp các trường THPT ở nước ta không thua kém trình độ học sinh trung học các nước. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp ĐH của Việt Nam lại có nhiều hạn chế. Điều đó cho thấy giáo dục ĐH là mảng cần đổi mới nhiều.
Theo TS Linh, giáo dục ĐH cần có sự tự chủ về tuyển sinh, về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về cả chương trình học cho sinh viên...
Bình luận (0)