Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của khối cao đẳng toàn Nhật Bản. Phía chủ nhà, từ hàng trăm đội qua vòng loại chọn được 98 đội vào vòng chung kết. VN là đoàn nước ngoài duy nhất và đầu tiên được mời dự chung kết không phải qua đấu loại.
Đoàn VN được chia làm 2 đội thi đấu ở 2 nội dung với chủ đề “Máy tính với phố phường” và “Những mảnh nhỏ của ký ức”. Kết quả cả 2 đội của chúng ta đều được Ban Giám khảo, Ban Tổ chức trao “Giải đặc biệt giao lưu quốc tế”. Tại buổi lễ trao giải. ông Takutaro Onoe nói: “Chúng tôi trân trọng và khâm phục VN. Người VN có tư chất thông minh, lao động sáng tạo cần cù. Kết quả thi đấu của các bạn rất tốt, ngoài sự mong đợi của chúng tôi”.
Trí tuệ tuổi trẻ VN không chỉ tỏa sáng trên xứ sở hoa anh đào lần này mà đã nhiều lần tỏa sáng mỗi khi mang chuông đi đánh xứ người. VN đã 2 lần đoạt chức vô địch trong các kỳ thi Robocon dành cho các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vượt qua cả các quốc gia có nền kỹ thuật tự động hóa và công nghệ thông tin mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực ta luôn giành được thứ hạng cao.
Tự hào là vậy song cũng lắm nỗi băn khoăn. Đi thi đấu quốc tế, khu vực ta không thua ai mà còn vượt trội. Trong khi đó chất lượng của nền giáo dục chung lại chưa đạt chuẩn thậm chí lạc hậu. Có nhà nghiên cứu giáo dục còn cho biết so với Thái Lan nền giáo dục của ta thấp hơn 50 bậc. Phải chăng ta chưa có chiến lược đầu tư giáo dục, phương pháp giáo dục đúng? Dư luận lâu nay lên án phương pháp giáo dục nặng thành tích, thi cử theo kiểu nuôi gà chọi mà nhẹ chăm lo nền giáo dục chung.
Giáo dục đang là vấn đề nóng bỏng đã được đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 (khóa 11) này. Những khuyết tật của nền giáo dục sẽ được các đại biểu Quốc hội phân tích, mổ xẻ cặn kẽ từ đó vạch ra chiến lược đầu tư, giải pháp thực hiện để chấn hưng giáo dục, để tuổi trẻ VN không chỉ tỏa sáng ở các kỳ thi đấu và tỏa sáng ở tất cả mọi lĩnh vực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bình luận (0)