Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết dù đã trực tiếp hoặc yêu cầu các địa phương có giải pháp chấn chỉnh song tình trạng xô bồ, bạo lực vẫn diễn ra tại một số lễ hội.
Giật chiếu cầu con trai
Những hình ảnh tranh cướp manh chiếu đã diễn ra tại lễ hội “Đúc Bụt” (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).
Lễ hội tổ chức tại miếu Bà - thờ công chúa Ngọc Kinh từ mùng 7-9 tháng giêng với mong muốn một năm no đủ, sinh sôi nảy nở. Ngày chính hội diễn ra vào 4-2 (mùng 8 tháng giêng). Sau lễ tế kéo dài hơn một giờ, tích trò “Đúc Bụt” được bắt đầu với phần chính là cướp chiếu. Tương truyền, người nào cướp được chiếu, gia đình đó sẽ sinh được con trai. Chính vì thế, hàng ngàn người dân địa phương và cả các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang... tham gia trò này.
Cảnh tượng cướp chiếu diễn ra trong vòng vài phút. Theo tục lệ, 3 “Bụt sống” được tuyển chọn từ thanh niên trong làng, tắm rửa sạch rồi trét bùn lên khắp người, sau đó quấn vào chiếu và đưa về miếu. Sau hiệu lệnh của cụ Từ, 3 “Bụt sống” thoát ra ngoài để người dân cướp chiếu. Tức thì, hàng trăm thanh niên xông vào cướp chiếu. Họ giằng co, xô đẩy, giẫm đạp, chửi bới tạo nên cảnh tượng bạo lực. Với việc may mắn cướp được chiếu, anh Nguyễn Đức Thọ (thôn Phù Liễu, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết anh và gia đình “mong muốn năm nay sẽ sinh được con trai”.
Lễ hội “Đúc Bụt” là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian lâu đời nhằm ôn lại quá trình chiêu mộ nghĩa sĩ, tập hợp lực lượng, rèn đúc vũ khí của Ngọc Kinh công chúa - nữ tướng tài ba, trí dũng vẹn toàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Hai Bà Trưng đền nợ nước, trả thù nhà, diệt giặc Tô Định.
Đánh bạc, đổi tiền lẻ
Sáng 4-2, tại chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), khách đến chùa không khỏi gai mắt trước cảnh một số thanh niên đánh bạc ăn tiền ngay trong khuôn viên. Tại đền Trần (TP Nam Định, tỉnh Nam Định), dù ban tổ chức lễ hội nghiêm cấm đổi tiền lẻ nhưng vẫn có một số phụ nữ với những tập tiền lẻ trong tay chào mời khách đổi tiền ngay trước cửa đền.
Chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là phiên chợ cầu may. Mỗi năm chợ họp một lần, từ sáng mùng 7 đến hết mùng 8 tháng giêng, với nhiều mặt hàng như cây cảnh, nông cụ... Chính vì nhiều người quan niệm rằng lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm nên từ đêm mùng 7 đến rạng sáng mùng 8, cả biển người kéo đến đây khiến phiên chợ “vỡ trận”. Đoạn đường vào chợ chỉ khoảng 2 km nhưng các phương tiện phải mất hơn 3-4 giờ di chuyển khó khăn mới thoát ra được cảnh ùn tắc. Để tránh cảnh tắc đường, Trường THPT Hoàng Văn Thụ nằm cạnh chợ phải cho học sinh nghỉ học.
Trước đó, trong ngày khai hội vào mùng 6 tháng giêng, cả hai lễ hội lớn của Hà Nội là lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) và hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) để xảy ra những hình ảnh phản cảm, gây phản ứng dư luận, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc. Ở lễ hội chùa Hương, cả “biển người” lao vào để được nhận chiếc vòng chỉ đỏ có in chìm tượng Phật bên trong do sư thầy phát tặng. Việc nhà sư đứng trên cao ném lộc đã gây nên cảnh tranh cướp, làm mất tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Phải kịp thời chấn chỉnh
Cả nước hiện có 7.966 lễ hội. Trong đó, có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử - cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập. Phần đông lễ hội dân gian diễn ra sau Tết và như đã nói, chỉ một vài ngày khai hội, cảnh xô bồ, bát nháo đã xảy ra tại khá nhiều lễ hội.
Bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH-TT-DL, cho biết bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lễ hội, ngăn chặn và hạn chế những lễ hội “xấu xí”.
Đối với nhiều lễ hội có tính chất bạo lực mà Báo Người Lao Động ghi nhận được, như lễ hội Đả cầu cướp phết (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), hội Phết Hiền Quan (xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ)…, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, khẳng định sẽ có biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng bạo lực. Theo ông Phúc, Bộ VH-TT-DL đã ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương không phục dựng, thực hiện các nghi lễ có tính chất bạo lực trong lễ hội. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương rà soát các lễ hội có tục hiến sinh nhằm loại bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Riêng lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha, ông Phúc cho hay sau khi có văn bản yêu cầu chấn chỉnh, UBND huyện Tam Nông cam kết thời gian tới sẽ không tổ chức đập đầu trâu cho đến chết mà sẽ thay thế bằng hình thức khác phù hợp.
“Bộ VH-TT-DL đã có văn bản yêu cầu địa phương không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận trong thời gian tới” - ông Phúc thông tin.
Công tác tổ chức chưa tốt
Sau hiện tượng phát lộc đầy hỗn loạn tại chùa Hương, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, đã ký công văn gửi UBND các quận - huyện - thị xã trên địa bàn yêu cầu tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2017; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội. Đồng thời, các địa phương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các loại thực phẩm được bán tại lễ hội; xử lý triệt để các hiện tượng lợi dụng lễ hội để kinh doanh trái phép. Ông Tô Văn Động thừa nhận tại một số địa phương, công tác quản lý, tổ chức lễ hội chưa tốt. Các hiện tượng như đổi tiền mệnh giá nhỏ để hưởng chênh lệch, chen lấn, xô đẩy trong lễ hội vẫn còn diễn ra. Tại các điểm di tích, hiện tượng người bán hàng rong, chèo kéo khách vẫn còn.
Thần linh cũng sẽ bỏ đi
Một trong những yếu tố làm một số lễ hội mất đi nét đẹp truyền thống, trở nên “xấu xí” chính là hành vi phản cảm, tranh cướp, bạo lực của những người tham gia. Theo ông Phạm Xuân Phúc, để hạn chế các hành vi “xấu xí”, phản cảm và để lễ hội Xuân đúng nghĩa là lễ hội văn hóa thì người đi lễ hội cần thực hiện đúng nếp sống văn minh, hành xử cho có văn hóa. Đặc biệt, người dự lễ hội có cả cán bộ, đảng viên nên hơn ai hết, họ phải gương mẫu thực hiện trước để quần chúng học tập. Ông Phúc cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức đi lễ hội vào dịp nghỉ Tết, ngày nghỉ lễ là việc bình thường, không ai cấm vì lúc đó họ là công dân bình thường. Nhưng đã là cán bộ, đảng viên khi đến lễ hội thì phải hành xử đúng mực, nắm được nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích, lễ hội, thậm chí khi thấy người dân chưa làm đúng phải gương mẫu nhắc nhở… Có như vậy mới tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế những hình ảnh tiêu cực, phản cảm.
Còn theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, hoàn toàn sai lầm khi nhiều người luôn tin rằng đi lễ và “cướp lộc” là một phần không thể thiếu của việc thực hành nghi lễ tôn giáo. Nếu cứ mãi mê muội tin vào chuyện cướp lộc để có điều may thì thần linh cũng sẽ bỏ đi.
Bình luận (0)