xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Triết lý Trần Nhân Tông – Sức sống vượt thời gian

Bài và ảnh: Thái An

Sau 14 năm trên ngai vàng, đức vua Trần Nhân Tông dứt bỏ, đi tu để tìm ra sự chính yếu của đạo Phật và chọn Yên Tử làm mảnh đất linh thiêng, sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

Ngày 26-11, tại Quảng Ninh, đã diễn ra hội thảo “Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp”. Hơn 100 tăng, ni, học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan... đã mổ xẻ, phân tích những đóng góp và ảnh hưởng của vua Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Thiền phái độc đáo VN

Các đại biểu thống nhất đề nghị Chính phủ, Ủy ban UNESCO VN đề nghị Tổ chức Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới.

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM) phân tích: Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của ba dòng thiền đã có mặt ở nước Việt. Chỉ riêng sự ra đời của dòng thiền này đã thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết của nó. Đặc biệt hơn, đây là thiền phái đầu tiên do một người VN sáng lập mà người đó lại chính là vị vua đứng đầu một đất nước.

Hòa thượng Yoshimizu Daichi (Nhật Bản) nhận xét nhìn lại lịch sử, cả Nhật Bản và VN, Phật giáo đều du nhập từ các nước lân cận. Ở Nhật Bản, các vị tổ đều là người Nhật. Tại VN, các vị tổ đều là người nước ngoài. Chỉ đến vua Trần Nhân Tông, người thống nhất ba dòng tu Tì Ni Đa lưu chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường để sáng lập ra Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc VN. Đây phải chăng là điểm hết sức tương đồng giữa đức vua Trần Nhân Tông và Pháp Nhiên – người sáng lập ra Tịnh Độ tông Nhật Bản? Hai vị là quốc bảo nhân gian của mỗi nước, cống hiến cho nhân loại và cho Phật giáo. Đó là tư tưởng lấy Phật làm gốc, lấy Tổ làm đầu, ai cũng phải trang bị cả thiền lẫn tịnh để đạt tam tâm “chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”.

Tổ Trúc Lâm đã trao truyền cho đời chìa khóa mở vào cuộc sống hạnh phúc, an lạc rất mực giản dị, chỉ vỏn vẹn nằm trong hai chữ “Tùy duyên”: “Ở đời vui đạo tùy duyên/Hễ đói thì ăn mệt nghỉ liền/Trong nhà có ngọc thôi tìm kiếm/Đối cảnh tâm không chớ hỏi thiền”. Nhà giáo Nguyễn Quỳnh Anh (Học viện An ninh Nhân dân) mổ xẻ: Chúng sinh lầm tưởng rằng muốn giải thoát phải xa lánh cuộc sống trần tục, bụi bặm để tìm đến chốn thiêng liêng tu hành. Cõi Phật như một nơi nào đó xa xăm, khó đạt đến. Nhưng Trần Nhân Tông cho rằng “Bụt ở trong nhà”, tồn tại trong chính bản thân mỗi người, trong thế giới hiện thực chứ không phải ở tầng trời mông lung nào đó. Do vậy, chỉ cần quay đầu nhìn lại chính mình thì sẽ đến được bến bờ của sự giác ngộ.

Ông Trần Xuân Hiền (Ban Tôn giáo Chính phủ) cho rằng phong thái sống của Trần Nhân Tông là rất hiền triết, rất triết lý. Tư tưởng đó là triết lý rất riêng của VN, gọi là siêu vượt triết lý hay triết lý nhân bản thực tại luận (Humanist Realism), vừa giải quyết vấn đề giải thoát của nhân sinh vừa giải quyết các vấn đề của quốc gia, xã hội.

img
Lễ dâng hương tại đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), nơi thờ 8 vị vua Trần.Ảnh: T.LÂN

Bài học thời sự

Cuộc đời của nhà vua, thiền sư Trần Nhân Tông cho con cháu tấm gương lớn về tư tưởng và hành động. Hai mươi năm đầu, ngài tập trung vào bổn phận của một thái tử chuẩn bị làm vua. Mười lăm năm lo cho nước cho dân, cùng cả dân tộc vượt qua hai đại nạn lớn: cuộc chiến xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông năm 1285 và 1288, mười lăm năm cuối đời lo cho đạo. Không chỉ là sự kết hợp của các dòng thiền, ta còn có thể thấy giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhân của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”.

Thượng tọa Thích Thanh Nhã (chùa Trấn Quốc, Hà Nội) nói ngay từ khi tại vị, Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn đề cao đường lối “thân dân” – tạo nên một nền chính trị mềm dẻo, kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Đó là lý do thời Trần đã có kinh tế đa sở hữu của người lao động, nhà giàu, của vương hầu trong thái ấp và của cả nhà chùa, nhờ đó nền văn hóa được phát triển rực rỡ nhất. Chính quan điểm thân dân này đã phát triển thành “dĩ dân vi bản” – “lấy dân làm gốc”, mà đỉnh cao là Hội nghị Diên Hồng, nơi lắng nghe ý kiến, tâm nguyện của trăm dân. Trải qua hàng trăm năm, tư tưởng này được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nối bằng bài học: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Đại đức – TS Thích Kiên Định (Học viện Phật giáo VN) nhận xét khuynh hướng chính trị của đức vua Trần Nhân Tông chính là chính trị vị nhân sinh, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Không ích kỷ hẹp hòi, không tham quyền cố vị.

Đại lễ cầu siêu anh linh các chiến sĩ vị quốc vong thân

19 giờ hôm qua, 26-11, đại trai đàn cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong đời Trần cùng các chư vị anh hùng có công dựng nước, giữ nước đã được tổ chức lần đầu tiên tại đền Trần Hưng Đạo (còn gọi là đền Bạch Đằng, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh). Hàng ngàn tăng, ni, phật tử và người dân đã tham gia buổi hành lễ. Trong suốt 2 giờ, chư tôn đức và tăng, ni, phật tử có mặt trong trai đàn đã thành kính dâng hương, tụng kinh, niệm Phật để nguyện cầu cho linh hồn các chiến sĩ cùng chư vị anh linh có công dựng nước, giữ nước siêu thoát. Cuối buổi lễ, 700 chiếc đèn trời tượng trưng cho 700 năm ngày mất của đức vua Trần Nhân Tông đã được thả lên trời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo