TP Hà Nội hiện có gần 6 triệu xe máy, trong đó có 2,5 triệu xe đăng ký trước năm 2000, nay đã cũ nát, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP sẽ nghiên cứu phương án để thu hồi số xe máy cũ nát này.
Nhiều băn khoăn
Dự kiến đến kỳ họp HĐND vào tháng 6, UBND TP Hà Nội sẽ trình chương trình liên quan đến hạn chế xe máy, sau đó sẽ trình Chính phủ với tinh thần đề xuất theo hướng chính quyền sẽ bỏ ra khoản tiền hỗ trợ và có biện pháp thu hồi xe máy, ô tô “quá đát”.
Trên khắp các tuyến đường ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những xe máy rất cũ, nhiều chiếc được người dân sử dụng để chở hàng hoặc kéo xe hàng, gần như chỉ còn mỗi máy nổ, khung xe, bánh xe, không còi, không đèn, khói từ ống xả khét lẹt và bay mù mịt, không bảo đảm an toàn giao thông, có thể gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, việc thu hồi những chiếc xe “quá đát” này được cho là không hề dễ khi chưa có quy định pháp lý về niên hạn và bắt buộc xe máy phải kiểm định để kiểm soát chất lượng khí thải.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, trong số này có những xe được đưa vào hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước nhưng hiện vẫn lưu thông. Những xe này nếu không bảo dưỡng tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn giao thông và môi trường đô thị.
Thực ra, việc thu hồi xe máy quá cũ nát đã được các bộ, ngành quan tâm, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải với đề án kiểm soát khí thải xe máy đưa ra từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ông Trí cho biết thêm là đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã nghiên cứu, thử nghiệm, tiến hành các công việc chuẩn bị. Tuy nhiên, đây là một đề án lớn mang tính xã hội phức tạp. Các tổ chức, cá nhân đều thống nhất chủ trương phải kiểm soát khí thải mô tô, xe máy nhưng chưa thống nhất được phương án, lộ trình triển khai cụ thể do có ảnh hưởng xã hội lớn, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp sử dụng xe máy cũ có chất lượng thấp.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng xe máy được đăng ký quyền sở hữu, tức là tài sản của công dân. Thu hồi hay phá hủy phải căn cứ vào luật pháp quy định nhưng hiện căn cứ pháp lý đó chưa có.
“Thực tế, người dân mua xe, đăng ký quyền sở hữu nhưng chúng ta đưa ra lý do bảo vệ môi trường để tịch thu mà thiếu căn cứ pháp lý dẫn chiếu là không phù hợp, người dân chắc chắn không đồng tình” - ông Liên bày tỏ.
Cần cơ sở pháp lý
Theo một số chuyên gia giao thông, nếu TP Hà Nội cũng như các đô thị khác muốn thu hồi xe máy, ô tô con cũ nát, cần phải xây dựng cơ sở pháp lý có tính khả thi để từ đó ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại phương tiện này.
Ông Trí cho rằng việc quy định niên hạn đối với xe máy cần được cân nhắc thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi bởi xe máy hiện vẫn là phương tiện lưu thông chính của người dân, trong đó đa số xe máy đã sử dụng lâu năm thuộc về người dân có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp sử dụng để mưu sinh. Nếu quy định niên hạn cho xe máy, nên áp dụng theo lộ trình để không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khẳng định ủng hộ việc thực thi pháp luật về kiểm tra và bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo vệ môi trường đối với phương tiện. Việc ngăn chặn xe máy hết niên hạn và không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật khi tham gia giao thông là chính đáng, đặc biệt là trong điều kiện thủ đô Hà Nội có mật độ giao thông rất lớn, mức độ phát thải gây ô nhiễm môi trường của các phương tiện giao thông cơ giới làm cho chất lượng không khí ở Hà Nội đã lên tới mức báo động.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhấn mạnh phải hiểu theo nghĩa: xe “quá đát” là xe không đủ điều kiện tham gia giao thông chứ không phải là hết ngày, hết giờ, hết niên hạn. Phương tiện có thể cũ nhưng nếu điều kiện an toàn kỹ thuật bảo đảm thì vẫn có thể được vận hành. Ở đây, phải xem xét về điều kiện bảo đảm an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện.
Ông Hùng cũng cho rằng muốn làm được việc này thì phải có lộ trình, bảo đảm quy định được ban hành và được thực thi vào thời điểm thích hợp. Ngoài ra, muốn biết niên hạn của xe máy, Chính phủ phải ban hành quy định về niên hạn đối với xe máy. Những phương tiện không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật thì đã có quy chuẩn về kỹ thuật đối với mô tô, xe máy rồi. Khi thực hiện kiểm định, những phương tiện nào không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật thì không được tham gia giao thông.
“Đối với người dân, tôi tin bất kỳ người nào tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy cũng đồng thuận với quan điểm những xe không bảo đảm an toàn thì không nên tham gia giao thông” - ông Hùng bày tỏ.
Phải sửa luật!
Về đề xuất quy định niên hạn để thu hồi xe máy cũ nát, kiểm soát khí thải xe máy của Hà Nội, ông Trí nhìn nhận đây là đề xuất tốt để bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Tuy nhiên, đề xuất này có thể thực hiện được khi sửa Luật Giao thông đường bộ. Hiện Luật Giao thông đường bộ mới có quy định niên hạn sử dụng với 2 đối tượng là xe vận tải hàng hóa và xe khách. Cụ thể, ô tô khách có thời hạn không quá 20 năm, xe tải không quá 25 năm còn ô tô con, xe du lịch, xe máy chưa có quy định niên hạn sử dụng.
“Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ quy định từ ngày 1-1-2018, mô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng sẽ phải thu hồi, thải bỏ. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định nào về niên hạn sử dụng của xe máy nên cũng sẽ chưa thể triển khai được” - ông Trí bày tỏ.
Bình luận (0)