Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Sờ nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh nối 2 huyện Đông Giang và Nam Giang, được đầu tư xây dựng năm 2001 với kinh phí hơn chục tỉ đồng. Năm 2008, A Sờ chính thức được Tỉnh đoàn Quảng Nam bàn giao cho xã Ma Cooih quản lý với tên mới là thôn A Bông.
Phần lớn “xí” đất
Con đường bê-tông dẫn vào làng A Sờ vẫn còn khá khang trang, hệ thống lưới điện đã được kéo vào từng hộ dân trong làng. Tuy nhiên, 2 bên tuyến đường chính dẫn vào làng là những vườn cây èo uột, um tùm cỏ dại. Lác đác vài nhà mở cửa; số còn lại bỏ hoang, khóa cửa im lìm. Nhiều ngôi nhà không mái, tường rách toác, phơi nắng, ngấm nước lâu ngày đã mục nát.
Ông A Lăng Diên, trưởng thôn A Bông, cho biết từ năm 2002-2009, mỗi hộ dân đến đăng ký lập nghiệp ở đây đều được cấp từ 2-9 ha đất và một số tiền để xây dựng nhà, phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Ban đầu, có gần 120 hộ đến đăng ký sinh sống và xây dựng nhà cửa song do cuộc sống quá khó khăn nên nhiều hộ đã bỏ làng ra đi.
Hiện nay, chỉ còn có 35 hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu và 40 hộ người Kinh đăng ký nhận đất sản xuất. Thực tế, hầu hết các hộ người Kinh chỉ đứng tên “xí” đất mà không trú tại địa phương và trực tiếp canh tác. Theo ông Diên, người dân bỏ đi vì cuộc sống quá khó khăn do hệ thống điện, nước được đầu tư thiếu đồng bộ, đất sản xuất khô cằn, trái cây mất giá.
Dự án Làng A Sờ không đáp ứng được kỳ vọng do quế mất giá, nhiều vườn cây sau bao năm chăm sóc đã không ra trái, nếu có trái thì bị sâu đục bên trong. Hơn 20 ha đất rẫy thiếu nước tưới do hệ thống thủy lợi thấp hơn các ruộng lúa. Công trình nước sạch sinh hoạt đã hư hại, xuống cấp hoàn toàn; người dân phải đi lấy nước sinh hoạt ở con suối cách làng 5 km.
Bỏ làng mà đi
Trong khi đó, dự án Làng TNLN Trường Xuân nằm ở 2 xã miền núi Trường Xuân và Trường Sơn thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được Trung ương Đoàn đầu tư và xây dựng trên diện tích hơn 1.363 ha. Khởi công xây dựng vào năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 30 tỉ đồng, sau 3 năm, công trình đã hoàn thành để phục vụ cho 100 hộ gia đình. Sau 4 năm đưa vào sử dụng, Làng TNLN Trường Xuân vẫn chưa đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu như đề ra. Nhiều hộ dân rời khỏi làng trong khi các hộ còn lại đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Anh Lê Văn Hoàng (36 tuổi) từng sống ở dưới đồng bằng huyện Quảng Ninh, sau đó chuyển lên Trường Xuân khai hoang, mở đất cho vùng kinh tế mới. Đến nay, cả gia đình 4 người chỉ còn mình anh ở lại bám trụ, vợ con anh về quê do làng chưa có trường tiểu học.
Theo nhiều hộ dân, nguyên nhân nhiều người bỏ làng ra đi do chính quyền địa phương chậm cấp sổ hộ khẩu và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Tổng đội Thanh niên xung phong nhiều lần liên hệ với chính quyền địa phương đề nghị sớm giải quyết nhưng vẫn chưa xong. Nhiều hộ đã kiên quyết rời khỏi làng, số hộ còn lại cố bám trụ bởi đã lỡ bỏ công khai hoang đất.
Bà Nguyễn Thị Thảo, cán bộ địa chính xã Trường Xuân, cho hay vừa qua đoàn đo đạc ở huyện Quảng Ninh đã về làng đo đạc đất đai để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sinh sống tại đây. “Theo tính toán, trong năm nay, tất cả các hộ dân sống tại làng sẽ được cấp sổ đỏ đầy đủ nhưng cái đó cũng phụ thuộc vào đoàn đo đạc” - bà Thảo nói.
Sẽ rút kinh nghiệm
Trong khi dự án làng TNLN A Sờ gần như phá sản thì vào cuối năm 2013, Tỉnh đoàn Quảng Nam bắt đầu khởi công dự án Làng TNLN Thạnh Mỹ tại thôn Mực, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang với tổng mức đầu tư hơn 49 tỉ đồng. Đây là Làng TNLN đầu tiên được khởi công trong tổng số 15 làng thanh niên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2013-2020.
Theo phê duyệt, Làng TNLN Thạnh Mỹ bố trí cho 100 hộ dân (mỗi hộ gồm 500 m2 đất ở và sản xuất hoa màu, chăn nuôi gia cầm).
Theo ông Đinh Nguyên Vũ, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam, đến nay, Làng TNLN Thạnh Mỹ đã xây dựng được hơn 80% các hạng mục. Tuy nhiên, hiện nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên thiếu kinh phí để hỗ trợ tuyển thanh niên vào làng. Tỉnh đoàn đã kiến nghị Trung ương Đoàn chuyển một số hạng mục của dự án từ nguồn vốn địa phương sang nguồn vốn Trung ương Đoàn. Để không đi vào “vết xe đổ” của Làng TNLN A Sờ, Tỉnh đoàn đã rút kinh nghiệm về việc tuyển dụng thanh niên vào làng và bố trí đất.
“Việc tuyển dụng thanh niên phải làm chặt chẽ, tránh tình trạng những người không muốn vào được tuyển vào. Chúng tôi đang lấy ý kiến của các ngành, địa phương về quy chế tuyển dụng, đồng thời bảo đảm đất đai cho người dân có thể canh tác” - ông Vũ nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-4
Bình luận (0)