Anh Nguyễn Quốc Việt - giám đốc một công ty phân phối dược trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TP HCM - kể: Vào đầu tháng 6-2016, công ty anh xảy ra vụ mất điện thoại. Tất cả nhân viên truy tìm, đồn đoán, nghi kỵ lẫn nhau. Nhớ đến camera an ninh, mọi người lập tức mở xem thì phát hiện kẻ trộm trong vai người bán báo.
Ngụy trang đủ kiểu
Nói rồi, anh Việt mở lại đoạn video do camera ghi lại vào thời điểm đó cho chúng tôi xem. Vào khoảng 10 giờ 55 phút ngày 6-6, một thanh niên đội mũ kết, trên tay ôm một xấp báo đi vào công ty. Thời điểm người lạ vào cũng là lúc nhân viên đang dán mắt vào màn hình máy tính làm việc. Gã thanh niên thấy chiếc điện thoại di động để trên bàn ở quầy lễ tân liền tiếp cận, ra tay trộm bằng cách một tay dùng báo che, tay kia “thó” chiếc điện thoại.
Tên trộm giả danh bán vé số để ăn cắp điện thoại di động tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương,
quận 5, TP HCM
Anh Việt chia sẻ trong bộ dạng của người bán báo dạo, tên trộm đã lừa được ít nhất 10 nhân viên đang làm việc tại công ty.
Tương tự, vào một ngày cuối tháng 8, đi ngang cửa hàng điện thoại di động của ông M. trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), tên trộm trong vai người bán vé số dạo đã “lăn xả” vào mời nhân viên cửa hàng mua vé số rồi thừa cơ lấy chiếc điện thoại di động đời mới trước cả chục cặp mặt không mảy may nghi ngờ.
“Bị mất của, nhân viên này ngấm ngầm nghi ngờ nhân viên nọ. Khi vụ việc lộ ra, kiểm tra camera an ninh mới hay gã bán vé số dạo là thủ phạm” - ông M. nói. Cũng theo ông M., nếu vụ việc không bị lộ ra mà người mất của cứ giấu kín rồi nghi kỵ người này, người nọ thì rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến công việc của cửa hàng.
Bà Vũ Thị Thanh - ngụ phường Tân Quy, quận 7 - đến nay vẫn bức xúc khi kể lại vụ mất 2 điện thoại di động chỉ trong nháy mắt. Ngày 1-7, một người đàn ông mặc quần áo công nhân, tay cầm một túi xách có kìm, dao, kéo. Người này bấm chuông tự xưng là nhân viên hãng máy điều hòa đến kiểm tra, bảo trì miễn phí. Dù không có nhu cầu nhưng bà Thanh vẫn mở cửa cho người lạ vào nhà. Lúc này, gã thanh niên xin vào phòng ngủ để vệ sinh máy điều hòa.
Tiếp đến, gã yêu cầu bà Thanh xuống nhà dưới đóng cầu dao điện để tránh bị giật. Tranh thủ không có chủ nhà, gã thợ “dỏm” đã gom 2 chiếc điện thoại bỏ vào túi đồ nghề. Để thoát thân, tên trộm yêu cầu bà Thanh mở cửa sân thượng để kiểm tra cục nóng, sau đó nhanh chóng leo xuống bỏ trốn. “Kẻ trộm giả y trang nhân viên sửa máy lạnh làm sao tôi phát hiện ra hắn lừa được. Thiệt là khó tưởng” - bà Thanh ngao ngán.
Chỉ còn cách… cảnh giác!
Một cán bộ điều tra Công an quận 5 cho biết thời gian gần đây, nhiều nơi bị “đạo chích” giả dạng người buôn bán dạo, lao động nghèo khổ để đánh lừa rồi giở trò trộm cắp. Riêng địa bàn quận 5 tiếp nhận khoảng 5 trường hợp người dân trình báo bị mất đồ do những người lạ giả danh vào nhà lợi dụng sơ hở “cuỗm” tài sản.
“Tôi có xem qua đoạn băng video ghi lại tên trộm đóng giả người bán vé số để lấy điện thoại ở cửa hàng nằm trên đường Nguyễn Tri Phương. Qua đó nhận thấy đây là đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, chứ không phải bất ngờ nổi lòng tham” - vị cán bộ công an nhìn nhận.
Thiếu tá Vũ Hồng Dũng, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an quận Thủ Đức, chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP HCM tăng cường trấn áp tội phạm khiến nhiều đối tượng co cụm, hạn chế cướp giật. Theo đó, để có tiền tiêu xài, nhiều đối tượng cướp chuyển qua nghề trộm với phương thức hoạt động mới, ma mãnh hơn. Trong đó, chiêu giả dạng người lao động để trộm được tận dụng tối đa. Ngoài ra, thiếu tá Dũng kêu gọi người dân cần lưu ý thêm chiêu thức, giả danh cán bộ phường đến kiểm tra nhà vệ sinh rồi lấy trộm tài sản.
Ông Dũng thông tin tại dãy nhà trọ thuộc địa bàn phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức vào ngày 12-5, có một đối tượng ăn mặc lịch sự “nhập vai” cán bộ phường vào thị sát phòng vệ sinh. Tại đây, lợi dụng sơ hở của chủ nhà trọ, gã cán bộ dỏm đã lấy nhiều tài sản rồi bỏ trốn, sau đó đã bị Công an quận Thủ Đức truy xét và bắt.
Thiếu tá Dũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước đối tượng lạ và đặc biệt không để các tài sản cầm tay như bóp, ví, điện thoại đi động trên bàn, nơi công cộng nhằm tránh bị mất cắp. Trong khi đó, theo Công an TP HCM, thời gian qua, tội phạm đã có dấu hiệu dạt ra vùng ven. Các đối tượng cướp giật, trộm cắp thường do “đói” ma túy nên làm liều.
Trước thực trạng trộm vặt hoành hành, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an TP HCM cho biết sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng trinh sát, đặc nhiệm theo dõi những đối tượng khả nghi nhằm ngăn chặn, xử lý.
Bình luận (0)