xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trọn tâm huyết với nghề báo

Bài và ảnh: Lương Duy Cường

Chỉ riêng về báo chí, ông đã có tròn 1.000 tác phẩm. Khi tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức lăn lộn sáng tác, ông quay sang với thú vui sưu tập bài báo theo từng chủ đề nhất định

Có lẽ tôi đã muộn khi gặp nhà báo kỳ cựu Trần Thanh Phương để viết bài giới thiệu chân dung tiêu biểu về lòng tâm huyết với nghề báo. Bởi lẽ, chỉ tạm tính thôi thì chí ít tôi đã thấy tại tủ sách gia đình ông có hơn 100 tin, bài của 70 cơ quan báo chí trong và ngoài nước ca ngợi công trình sưu tầm tư liệu của ông.

Nghề báo chọn ông

Riêng với phim ảnh thì tôi cũng đã “choáng” với khoảng 15 phim tư liệu về nhà báo Trần Thanh Phương do các đài truyền hình thực hiện. Trong đó, không ít phim đã giúp các đài giật giải cao ở các cuộc liên hoan phim truyền hình.

Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam cũng đã công nhận 2 kỷ lục của ông: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam (xác lập ngày 2-2-2005) và Người có quyển sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam (xác lập ngày 14-5-2006). Mới đây, Niên giám Kỷ lục Việt Nam còn dành hơn nửa trang để giới thiệu 2 kỷ lục này bằng hình ảnh và chữ.

 

Nghỉ hưu nhưng nhà báo Trần Thanh Phương luôn bận rộn với công việc sưu tập báo chí
Nghỉ hưu nhưng nhà báo Trần Thanh Phương luôn bận rộn với công việc sưu tập báo chí

 

Chỉ qua vài chiêu trà trong căn nhà nhỏ của vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương ở quận 3, TP HCM, sự hào hứng của ông đã lôi cuốn tôi. Rồi như ông nói, tôi rất may mắn khi được mục kích 2 bộ sưu tập báo chí đang làm dở nhưng mỗi bộ đã nặng vài chục ký. Đó là bộ sưu tập các bài báo về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ sưu tập các bài báo về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Tôi bị cuốn theo sự hào hứng khi nghe chính nhà báo kỳ cựu chia sẻ về căn nguyên dẫn ông đến với nghề báo rồi sau đó là đam mê sưu tập báo. Hóa ra, thời trẻ, khi tính đường lập nghiệp, không phải ông chọn cho mình nghề làm báo gian khổ này mà chính nghề báo đã chọn ông.

Số là sau Hiệp định Genève năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn tạm thời nằm dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. Từ đất mũi Cà Mau, là con một cán bộ liên lạc của Tỉnh ủy Bạc Liêu nên ông Phương may mắn nằm trong số con em cán bộ đang hoạt động, chiến đấu ở miền Nam được ra Bắc tham gia các lớp học của học sinh miền Nam mở trên đất Bắc. Bấy giờ, ông mới 15 tuổi. Học hết phổ thông ở trường học sinh miền Nam, ông học tiếp ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tương lai mở ra với ông chính là làm nhà giáo đứng trên bục giảng.

“Học sư phạm nhưng khi tốt nghiệp thì tôi lại được Báo Nhân Dân mời về. Mừng nhưng tôi rất lo lắng vì không hiểu sao một tờ báo lớn như thế lại tuyển mình, trong khi tôi không biết gì về báo chí. Tôi tìm hỏi một nhà báo kỳ cựu thì được trả lời: “Chỉ sợ cậu không có năng khiếu chứ không khó gì lắm. Cậu hãy ghi nhớ câu ta thắng, địch thua, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn, thế giới ủng hộ ta”. Rồi vợ tôi đang là một giáo viên cũng được Báo Người giáo viên nhân dân tuyển. Thế là 2 vợ chồng gắn bó luôn suốt cuộc đời với nghề báo” - ông Phương nhớ lại cảm xúc của những ngày đầu bén duyên với cái nghề mà bây giờ, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông khẳng định vẫn chưa hết đam mê.

Tròn 1.000 tác phẩm báo chí

Về làm việc cho Báo Nhân Dân, ông Phương được phân công vào Ban Miền Nam (còn gọi là Ban Thống Nhất) do ông Trần Kiên làm trưởng ban và ông Hà Đăng làm phó ban. Sau này ông mới hiểu, việc tuyển những người như ông và bố trí vào làm việc ở Ban Miền Nam không phải tình cờ mà chính là một chủ trương lớn của nhà nước trong việc đào tạo đội ngũ phóng viên báo chí phục vụ cho miền Nam.

Ba tháng đầu vào nghề, ông Phương nhớ mình chỉ có nhiệm vụ ngồi đọc Báo Nhân Dân và những bản tin do TTXVN phát hành. Tiếp đó, ông được giao biên tập những tin đơn giản lấy từ bản tin “Đấu tranh thống nhất” của TTXVN để sử dụng lại trên Báo Nhân Dân.

Cuối thập niên 1960, nhiều đoàn đại biểu ở miền Nam ra thăm miền Bắc, ông được phân công đi gặp họ để viết bài về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mở đầu cho loạt bài này là viết về Nguyễn Văn Hòa, một thiếu niên 15 tuổi từ Thừa Thiên - Huế ra và là dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ quyết thắng.

Bài báo có tựa đề “15 tuổi, hai lần dũng sĩ” mà ông viết về Nguyễn Văn Hòa, cũng gần như là bài báo đầu tay, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 16-12-1968 ấy đã khiến nhà thơ Tố Hữu - Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương - đặc biệt quan tâm. Bài báo cũng gây cảm hứng đặc biệt để nhà thơ viết ngay sau đó bài lục bát “Chuyện em” dài 112 câu với những lời thơ xúc động: “Cha đi tập kết nhà nghèo/Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con/ Chị thì hái củi trên non/ Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu...”.

Ra đi từ năm 1954, mãi đến ngày đất nước thống nhất, ông Phương mới có cơ hội trở lại miền Nam và làm phóng viên cho Báo Giải Phóng rồi Phó Tổng Biên tập kiêm Trưởng Ban Đại diện phía Nam Báo Đại Đoàn Kết. Không kể các tác phẩm văn chương, nghiên cứu, chỉ riêng về báo chí, ông đã có tròn 1.000 tác phẩm.

Khi tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức lăn lộn sáng tác, ông quay sang với thú vui sưu tập bài báo theo từng chủ đề nhất định. Đến cuối năm 2014, bộ sưu tập của ông đã nặng đến 2 tấn, gồm hàng chục chủ đề. Dịp 21-6 năm 2007, Cung Văn hóa Lao động TP HCM đã mời ông đến mở một triển lãm mang tên: Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang tư liệu. Lần triển lãm ấy, ngoài cuốn sách độc bản “Đất nước tôi” cùng hơn 20 cuốn sách đã xuất bản, bộ sưu tập hơn 1.000 bài báo đã viết trong hơn 30 năm theo nghề..., ông Phương còn “trình làng” đến 70 tập tư liệu, mỗi tập dày 200-500 trang khổ 30x40 cm.

 

35 năm cho tác phẩm độc bản

Chỉ cho tôi xem cuốn cuốn sách độc bản “Đất nước tôi” dày 970 trang khổ 1,2 m x 0,8 m với bìa bằng gỗ ép, nặng 87 kg, chứa hơn 1.000 bài báo, nhà báo Trần Thanh Phương cho biết để có tác phẩm độc đáo này, ông và vợ đã phải cắt giữ tư liệu đúng 35 năm từ các tờ báo trong nước. Trong đó, có những bài báo đăng nguyên trang, có bài chỉ vài trăm chữ hoặc một mẫu tin nhưng dù dài hay ngắn cũng đều hợp với từng chủ đề cần lưu giữ và tất cả đều được ghi rõ xuất xứ (ngày, tháng, năm xuất bản...). Chỉ riêng việc dán những bài báo ấy vào sách thì vợ chồng ông đã mất 6 tháng liên tục và 200 lọ hồ.

 

Kỳ tới: Vất vả nhưng hạnh phúc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo