Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hám lợi, nhiều “đầu nậu” đã dụ dỗ, lôi kéo một số người dân trồng cần sa. Trong số những người trồng, có người biết rõ đó là cây cần sa nhưng vẫn trồng, nhưng cũng có người khi lực lượng chức năng tới lập biên bản mới biết đó là cây cần sa.
Nhưng dù biết hay không thì những người này đang tích cực tiếp tay cho những kẻ buôn bán loại cây chết người này.
Tưởng cây thuốc chữa bệnh hay giả vờ không biết?
Công an huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông ngày 30-11-2010, đã phát hiện tại rẫy của các hộ gia đình ông Vũ Văn Hải (SN 1981) và bà Phùng Thị Thoi (SN 1954), cùng ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp trồng hơn 600 cây cần sa sắp thu hoạch và hơn 6.000 cây giống được ươm trong bầu chuẩn bị mang đi trồng.
Tại cơ quan công an, bà Thoi cho rằng mình không biết đây là cây cần sa. Bà trồng cây này theo lời hướng dẫn của một người lạ nói đây là cây thuốc chữa bệnh ung thư. Người này còn cho biết nếu bà trồng rồi thu hoạch luôn thì sẽ đến mua với giá cao.
Số cây cần sa được cơ quan chức năng thu giữ tại rẫy ông Vũ Văn Hải (huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông)
Trước đó, ngày 27-8-2010, Công an huyện Đắk R’lấp cũng đã phát hiện và thu giữ tại vườn cà phê của các hộ Bùi Thị Sen (SN 1958), Nguyễn Đức Bình (SN 1955) và Trần Thị Huế (SN 1961) cùng trú thôn 17, xã Nhân Cơ, trồng hơn 1.000 cây cần sa đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.
Khi được hỏi, bà Sen cho biết: “Trong một lần đi khám bệnh tại TPHCM, tôi được một người đàn ông cho bịch hạt giống và nói đó là cây cao ích mẫu, là một loại cây thuốc rất quý và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, đến kỳ thu hoạch sẽ đến mua với giá 150.000 đồng/cây”.
Bên cạnh đó còn có những hộ dân trồng cần sa với số lượng ít để cho gia súc ăn. Ngày 27-4-2011, Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và thu giữ hàng chục cây cần sa có chiều cao hơn 1 m tại vườn nhà ông Dương Minh Thảo (SN 1937, trú tổ dân phố 9, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột).
Ông Thảo khai nhận: “Được một người quen giới thiệu loại cây này cho gia súc ăn sẽ lớn nhanh nên trồng với mục đích làm thức ăn cho gia súc”.
Tổ chức chuyên nghiệp quy mô lớn
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, tình trạng trồng cây cần sa trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây đã xuất hiện ở nhiều nơi như ở huyện Krông Ana, Krông Pắk, Buôn Đôn, TP Buôn Ma Thuột…
Thống kê của Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Nông cho thấy từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 10 vụ trồng, sản xuất và tiêu thụ cây cần sa với diện tích lên tới hàng chục hecta, thu giữ hơn 10 tấn cây cần sa tươi và khô. Trong đó, có nhiều vụ được tổ chức theo đường dây chuyên nghiệp với quy mô sản xuất và tiêu thụ lớn.
Mới đây, Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây sản xuất và tiêu thụ cần sa quy mô lớn. Mười đối tượng đã bị bắt và bị truy tố trước pháp luật. Nguyễn Văn Chương (SN 1980, trú huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc), đối tượng cầm đầu đường dây này đã phải nhận mức án 20 năm tù giam.
Tại tòa, Chương khai nhận trong một thời gian dài đã dụ dỗ, lôi kéo hàng chục hộ dân ở thôn 2, xã Đắk Rla, huyện Đắk Mil trồng cần sa trên 3 ha rẫy của mình và đã đem ra thị trường tiêu thụ được hơn 1 tấn cây cần sa khô.
Khó phát hiện vì cây cần sa giống cây thanh hao
Theo thượng tá Phạm Sơn, Phó trưởng Công an huyện Đắk R’lấp - Đắk Nông, rất khó phát hiện khi người dân vừa trồng cây cần sa. Bởi nhiều nơi người dân không biết cây cần sa là gì. Vì vậy, đã có trường hợp cây cần sa được các đối tượng trồng hàng năm trời nhưng vẫn không bị phát hiện. Trong khi đó, các chủ rẫy lại cho rằng đó là cây thuốc quý, vì bề ngoài cây cần sa giống như cây thanh hao (một loại cây thuốc trong y học) nên những người sống xung quanh khó phân biệt để báo lên cơ quan chức năng. |
Bình luận (0)