Cây gió có tên khoa học là Aquilaria Grassna Pierre, họ Thymelea Ceae, bộ Thyméales, lớp song tử diệp, ngành hoa biển (bí tử); tên thông thường Việt Nam: cây gió bầu, cây tóc, cây trầm. Cây gió là một loài đại mộc có thể cao từ 30 - 40 m, vỏ xám có xơ trắng xám, gỗ mềm màu trắng, nhánh đứng phân cành rất đặc sắc. Ở Kon Tum, cây gió được phân bố ở các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Ðakglei, Konplong, Konprẫy... Qua khảo sát cho thấy, ở hai huyện Konplong và Konprẫy có lượng cây gió nhiều hơn cả, nhất là về phía Ðông dãy Trường Sơn.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển trồng cây gió để lấy nhựa trầm xuất khẩu ở các tỉnh An Giang, Phú Yên, Quảng Nam..., một số hộ nông dân ở Kon Tum đã dấy lên phong trào đi tìm và mua giống cây gió về trồng trong vườn nhà hoặc vườn rừng của mình. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong tự nhiên để tạo ra nhựa trầm và tích tụ lại thì cây gió đó phải bị bệnh, bị tổn thương hoặc có thể sống và tồn tại trong một điều kiện môi trường khắc nghiệt nào đó. Việc tạo ra nhựa trầm và tích lũy lại thành tinh dầu ở trên thân cây gió phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa. Còn trong điều kiện phát triển bình thường thì khả năng tích lũy tạo ra nhựa trầm ở cây gió rất hiếm.
Từ năm 1997, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) tỉnh Kon Tum đã tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng và phân bố cây gió, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và gieo ươm, trồng mới trên các lâm phần của huyện Konplong. Ðồng thời, đã phối hợp với Tổ chức Dự án Rừng mưa nhiệt đới (TRP), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Lan, đầu tư nghiên cứu tác động nhân tạo xúc tiến nhanh quá trình tạo thành trầm trên cây gió. Qua quá trình khoan thân cây và cấy một số chủng vi sinh vật vào lỗ khoan, với thời gian cấy 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng... trên thân cây gió đã hình thành cho nhựa dưới nhiều cấp độ khác nhau, chất lượng mùi hương khác nhau và đặc biệt là tốc độ tạo nhựa trầm nhanh gấp nhiều lần so với điều kiện mọc tự nhiên trong rừng.
Từ những mô hình nhỏ ban đầu có tính chất nghiên cứu, đầu tháng 7-2002, tại xã Tân Lập, huyện Konprẫy, tỉnh Kon Tum, Sở KH-CN-MT và TRP đã khánh thành vườn ươm cây gió thuộc khuôn khổ Dự án trầm do Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ, với kinh phí tổng cộng là 200.000 euro (riêng vườn ươm là 40.000 euro). Vườn ươm có diện tích 0,5 ha, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo thiết kế, có khả năng cung cấp 100.000 cây giống chất lượng cao, nhằm thực hiện các mục tiêu chủ yếu như thiết lập việc sản xuất trầm bền vững; hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn nạn hủy hoại tài nguyên rừng; hình thành mô hình mới về phát triển nông - lâm nghiệp...
Ông Henry Heuveling Van Beck, điều phối viên dự án, cho biết sẽ đào tạo kỹ thuật, cung cấp cây giống miễn phí cho các hộ dân tham gia dự án để họ trồng và tạo trầm trên những cây gió loài Grassna từ 4 - 5 năm tuổi bằng phương pháp kích thích hoàn hảo. Thời gian kích thích tạo trầm và nuôi dưỡng đến chu kỳ kinh doanh là hai năm. Ðây cũng là dự án giúp nông dân ở 3 huyện Konplong, Konprẫy, Sa Thầy xóa đói giảm nghèo, có chất lượng cao, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc ít người.
Sau An Giang, Kon Tum là tỉnh thứ hai trong cả nước được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của Dự án Rừng mưa nhiệt đới (TRP) và EU trong lĩnh vực tạo trầm khép kín, từ gieo ươm hạt, trồng, chăm sóc và thu hoạch trầm từ nay đến năm 2005.
Bình luận (0)