Ba năm trở lại đây, giá hồ tiêu tăng vọt từ 90.000 đồng/kg lên hơn 200.000 đồng/kg. Hồ tiêu giờ được xem là cây “làm giàu” của nông dân Lâm Đồng khi các loại cây trồng khác như trà, điều… đồng loạt rớt giá. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh chưa thể thống kê được diện tích hồ tiêu mà người dân mới trồng.
“Dại gì không thử trồng!”
Hai năm trước, gia đình ông Nguyễn Đình Hiệp (ngụ thôn Tà Ngào, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đã phá bỏ gần 2 ha trà và cà phê đang kỳ thu hoạch để chuyển qua trồng hồ tiêu. “Trước đây, trà và cà phê được xem là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhiều năm qua, cây trà đã không còn chỗ đứng, giá rớt thảm hại, chưa kể sâu bệnh; còn cà phê thì đỡ hơn. Trong khi đó, giá hồ tiêu lại tăng cao nên gia đình chuyển hết sang trồng loại cây này” - ông Hiệp giải thích. Hiện nay, khoảng 7 sào hồ tiêu của ông Hiệp đang cho quả bói.
Ông Hiệp tính toán do giá trà rớt xuống còn 4.000-5.000 đồng/kg, mỗi năm, với 2 ha trồng loại cây này, gia đình ông thu về chỉ khoảng 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí như công chăm sóc, phân bón… thì không có lời. “Nếu cần cù chăm sóc thì hồ tiêu đạt khoảng 3-4 tấn/ha, với giá cả như hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng lãi ròng hơn 600 triệu đồng. Dại gì mà không thử trồng!” - ông Hiệp tự tin.
Ngoài những vùng đất phù hợp với hồ tiêu, nhiều diện tích vốn cằn cỗi cũng được người dân đầu tư trồng loại cây này. Gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh (ngụ thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) có vườn điều 7 ha, hiện đã phá 3 ha để trồng hồ tiêu, 4 ha còn lại thì trồng xen canh tiêu - điều. “Một thời, vườn điều nhà tôi trứ danh về năng suất, chất lượng ở huyện Đạ Huoai. Thế nhưng, giá điều cứ sụt giảm trong khi giá hồ tiêu lại ngày càng cao, sao cứ mãi bám vào gốc điều?” - ông Anh bộc bạch.
Nhiều vùng đất đá khô cằn, thiếu nước ở Lâm Đồng giờ cũng trồng hồ tiêu. Đơn cử, tại các xã Đinh Lạc, Tam Bố của huyện Di Linh, hầu hết người dân đều trồng tiêu dù vùng đất này được xem là không phù hợp. Ông Nguyễn Thế Hùng (ngụ xã Tam Bố) cho biết đất nhà ông đến mùa khô là không có nước tưới. “Tuy nhiên, thấy lợi nhuận cao mà cây tiêu mang lại nên gia đình cứ xuống giống dù chẳng ai biết gì về phòng trừ sâu bệnh, cách chăm sóc, chủ yếu học hỏi kinh nghiệm người trồng trước” - ông Hùng thừa nhận.
Hệ lụy khó lường
Theo tính toán của người dân, hiện mỗi hecta hồ tiêu thu hoạch đạt lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trồng trà, cà phê và một số cây lâu năm khác, nếu được mùa, được giá thì lãi cũng chỉ 120-150 triệu đồng/ha; còn mất mùa, rớt giá thì may mắn lắm là hòa vốn.
Vì thế, nhiều hộ đã chuyển toàn bộ diện tích trà, cà phê, điều… đang cho thu hoạch để trồng hồ tiêu. Thậm chí, không ít người còn mở rộng đất bìa rừng, ven suối để trồng. Điều đáng lo là người dân vì thấy cái lợi trước mắt nên đổ xô vào trồng hồ tiêu mà không mấy ai biết gì về kỹ thuật chăm sóc cây này, chỉ phó mặc cho may rủi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đậu Văn Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bảo Lâm, cho biết từ năm 2013 đến nay, người dân địa phương đã phá bỏ nhiều loại cây để trồng thêm gần 100 ha hồ tiêu. So với thời điểm này năm ngoái, hiện diện tích hồ tiêu ở Bảo Lâm đã tăng vọt lên trên 173%.
Hậu quả của việc đổ xô chặt - trồng đã bắt đầu hiển hiện. Không ít gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng vào vườn hồ tiêu, khi cây đổ bệnh thì xem như trắng tay. Ông Nguyễn Văn Quý (ngụ xã Lộc Thành) - người có hơn 1.000 nọc tiêu đang chết dần - chua chát: “Năm trước, vì thấy điều rớt giá nên tôi chuyển sang trồng hồ tiêu. Nào ngờ cuối năm tiêu phát bệnh và đến nay, 2/3 diện tích đã chết, số còn lại chỉ sống lây lất. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra coi như mất trắng”. Theo ông Quý, để trồng 1 ha hồ tiêu thì cần chi phí khoảng 600-800 triệu đồng, chưa kể khoảng thời gian hơn 3 năm chăm sóc mới đến thời kỳ thu hoạch.
Ông Đào Văn Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng, nhìn nhận: “Nhiều vườn tiêu mới trồng ở những nơi có điều kiện môi trường, đất đai không phù hợp; việc đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế; sâu bệnh phát sinh gây hại dẫn đến giảm năng suất. Với việc phát triển cây hồ tiêu ồ ạt như hiện nay sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường trong thời gian tới. Chưa kể, việc mở rộng diện tích hồ tiêu thiếu định hướng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng, rất khó để định hướng”. Ông Toàn còn lo ngại đến một ngày nào đó, khi hồ tiêu thôi được giá, người dân lại đốn hạ để chuyển sang trồng loại cây khác.
Chanh dây chết yểu
Năm 2013, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt quy hoạch cây chanh dây đến năm 2020 là 495 ha. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, đến tháng 9-2016, diện tích chanh dây trên địa bàn đã lên đến 892 ha.
Diện tích chanh dây tăng vọt như vậy là vì người dân chạy theo giá. Năm 2013, giá chanh dây chỉ 2.000 đồng/kg, đến đầu năm 2016 đã lên mức 10.000-15.000 đồng. Đỉnh điểm là vào đầu tháng 3-2016, do thị trường Trung Quốc “ăn” mạnh, giá chanh dây tăng vọt đến 40.000 đồng rồi 56.000 đồng/kg. Ngay sau đó, giá chanh dây đã giảm xuống 10.000 đồng và hiện chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg.
Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Tia Sáng (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), cho rằng giá chanh dây giảm mạnh vì nhiều tỉnh ùn ùn trồng, dẫn đến dư thừa. Gần đây, nhiều người dân lại chặt bỏ chanh dây và loay hoay tìm kiếm cây trồng khác. Ông Trần Thái Bảo (ngụ huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết mới đây, gia đình ông đã chặt bỏ gần 1 ha chanh dây, chấp nhận mất trắng 50 triệu đồng.
Ngoài ra, theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, do đổ xô trồng chanh dây trong khi không am hiểu về tập tính, sâu bệnh nên nhiều diện tích đã bị sâu bệnh nặng.
C.Nguyên
Bình luận (0)