Ngay trong tuần tới, nhằm cung cấp cho các cơ quan trong và ngoài nước, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ… về những thông tin liên quan đến dự án thủy điện Don Sahong cũng như chia sẻ mối quan tâm của các bên, ngày 12-12, Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) sẽ tổ chức hội nghị tham vấn cấp vùng tại Pakse - Lào. Trước đó một ngày, các đại biểu tham dự sẽ được sắp xếp tham quan khu vực triển khai dự án tại vùng Siphandone, phía Nam Lào.
Tác động khó lường
Thủy điện Don Sahong có công suất 260 MW, được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông. Đây là dự án thủy điện đầu tiên trên sông Mê Kông được tổ chức tham vấn cộng đồng ảnh hưởng và các bên liên quan.
Hiệp định Mê Kông năm 1995 quy ước các công trình xây dựng, chuyển nước trên dòng chính đều phải thực hiện quá trình tham vấn trước. Song, chính phủ Lào không đồng ý tham vấn trước vì cho rằng vị trí xây dựng thủy điện Don Sahong không nằm trên dòng chính mà ở dòng nhánh của sông Mê Kông. Tuy nhiên, Hội đồng MRC đã thảo luận và quyết định phải thực hiện quá trình tham vấn trước vì vị trí xây đập này là ở dòng chính sông Mê Kông. Vì thế, hiện nay, Lào đã ngưng các hoạt động triển khai dự án, chờ kết quả tham vấn cộng đồng.
Trên hệ thống sông Mê Kông, dự kiến khoảng 150 đập thủy điện được triển khai xây dựng, trong đó có 130 đập ở dòng nhánh hạ nguồn. Trong số gần 20 đập trên dòng chính thì 6 đập ở thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã đưa vào hoạt động, 11 đập ở hạ nguồn gồm thủy điện Xayaburi đang xây dựng và thủy điện Don Sahong chuẩn bị triển khai.
Theo MRC, việc phát triển thủy điện trên hệ thống Mê Kông đem lại nhiều lợi ích quan trọng như điện năng và nguồn năng lượng tái tạo nhưng cũng gây ra hàng loạt tác động tiêu cực cần xem xét. Ông Hans Guttman, Tổng Thư ký MRC, khẳng định việc tham vấn trước không phải là quá trình tìm kiếm sự đồng thuận mà là một nền tảng cho Campuchia, Thái Lan, Việt Nam cũng như các quốc gia và tổ chức quan tâm đặt ra những vấn đề liên quan về tác động tiềm ẩn của dự án thủy điện trên sông Mê Kông có thể xảy ra với đất nước họ.
“Việc tham vấn trước giúp 4 nước thành viên thảo luận, cân nhắc lợi ích và những hậu quả môi trường, kinh tế - xã hội xuyên biên giới của dự án. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để Lào hiểu hơn nữa về các mối lo lắng và cân nhắc các phương án giải quyết một cách phù hợp” - ông Guttman nhấn mạnh.
MRC sẽ dành 6 tháng để tổ chức tham vấn trước tại các quốc gia. Tại Campuchia và Việt Nam, đây sẽ là quá trình tham vấn cộng đồng, trong khi ở Thái Lan là một hội nghị chia sẻ thông tin tầm quốc gia, tùy vào bối cảnh và luật pháp mỗi nước. Theo lộ trình dự kiến, trong tháng 2-2015, MRC sẽ công bố kết quả tham vấn trước. Trên cơ sở đó, Lào sẽ quyết định số phận của thủy điện Don Sahong.
ĐBSCL lãnh đủ
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết đây là lần đầu tiên việc xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được tổ chức tham vấn cộng đồng, dù MRC thực hiện thay vì chính phủ Lào. So với việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi, đây là một bước tiến rất quan trọng.
“Tôi có tham gia một số cuộc tham vấn cộng đồng tại các tỉnh, thành ĐBSCL vừa qua. Người dân gần như không có thông tin về việc xây dựng thủy điện Don Sahong. Vì thế, việc tham vấn cộng đồng lần này giúp người dân ở phạm vi rộng tiếp cận được thông tin về những mối đe dọa đến đời sống và sản xuất, giúp họ có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình. Không chỉ Don Sahong hay Xayaburi, trên dòng chính sông Mê Kông có đến 11 đập thủy điện được dự kiến xây dựng ở hạ nguồn. Nằm ở hạ nguồn, ĐBSCL sẽ là khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất” - ông lo ngại.
TS Long bày tỏ hy vọng hội nghị tham vấn các bên liên quan trong tháng 12-2014 này sẽ làm rõ được một số vấn đề vẫn đang tranh cãi, như: thủy điện sẽ làm thay đổi dòng chảy như thế nào, lượng trầm tích và phù sa bị chặn trên thượng nguồn sẽ tác động ra sao đến khu vực hạ nguồn…
“Vấn đề này có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhất là việc Don Sahong được xây dựng trên dòng chính hay dòng phụ của Mê Kông. Bởi lẽ, sông Mê Kông chảy qua khu vực Siphandone của Lào rẽ thành nhiều dòng. Thủy điện Don Sahong xây dựng trên dòng Sahong, đây là dòng chính trong các dòng. Về mùa cạn, khi các thác khác chỉ còn ít nước thì dòng thác này vẫn nhiều nước vì có các hố chứa sâu. Chẳng những thế, nó cũng thu hút lượng nước từ các nơi khác đổ về. Vì thế, đây là đường di cư duy nhất cho các loài thủy sản vào mùa cạn. Nếu chặn đập qua đây, coi như cá hết đường đi” - TS Long phân tích.
TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết lượng cá di cư qua dòng Sahong chiếm đến 80% (với khoảng 100 loài) lượng cá di cư trên toàn sông Mê Kông. Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng thủy điện dù làm giảm lượng cá tự nhiên nhưng bù lại, diện tích mặt nước tăng sẽ giúp tăng năng suất cá nuôi. Tuy nhiên, để nuôi cá phải dùng bột cá mà bột cá cũng từ cá tự nhiên.
Theo TS Ni, có thể nói cá nuôi là cái bóng của cá tự nhiên. Khi hình không còn thì chắc chắn bóng cũng không thể tồn tại. Đối với người dân ĐBSCL, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp và trung bình, cá tự nhiên là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính, nếu quy đổi ra tiền có thể còn lớn hơn việc xuất khẩu cá. Không riêng gì Việt Nam mà Campuchia, Thái Lan và ngay cả Lào cũng mất mát rất nhiều nếu xây dựng các đập thủy điện.
“Vì thế, tôi rất chờ đợi ý kiến và tâm tư của người dân sẽ đến được với những người có tiếng nói quyết định ở Lào, thông qua sự kiện tham vấn cộng đồng và các bên liên quan lần này. Hy vọng chính phủ Lào sẽ dừng dự án thêm 10 năm để nghiên cứu như đề xuất của Chính phủ Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây là thời gian đủ để chúng ta nghiên cứu và đưa ra những quyết sách đúng đắn nhất” - ông mong mỏi.
Theo TS Ni, sự kiện tham vấn lần này cũng có vai trò rất lớn trong việc xóa mù thông tin cho người dân, giúp họ có những phương án thích ứng nếu các con đập vẫn được xây dựng.
6.000 năm và 10-15 năm
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng không riêng Don Sahong hay Xayaburi, việc đánh giá tác động tiêu cực phải nhìn trong tổng thể 11 con đập trên dòng chính và 130 đập trên dòng nhánh sông Mê Kông.
ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia sinh thái ĐBSCL, thành viên nhóm thực hiện Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện dòng chính sông Mê Kông - khẳng định ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông nên chịu tác động nặng nề nhất của chuỗi đập phía trên. Nếu các đập trên dòng chính hình thành, lượng phù sa sông Mê Kông sẽ giảm 1/4. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ĐBSCL sẽ bị bạc màu, năng suất cây trồng, vật nuôi đều giảm... Nghiêm trọng nhất là việc mất nguồn phù sa bồi đắp hằng năm trong bối cảnh nước biển dâng hiện nay thì ĐBSCL sẽ nhanh chóng bị chìm.
“Toàn bộ sự sống trong lưu vực Mê Kông nói chung và ĐBSCL nói riêng đã tiến hóa, thích nghi từ nhiều ngàn năm trong điều kiện môi trường do sông này tạo nên. Nhưng để thấy tác động thì chỉ cần 10-15 năm thôi, đồng bằng hình thành hơn 6.000 năm trước sẽ biến mất” - TS Thiện trăn trở.
Người dân ĐBSCL phản đối xây đập
Quá trình tham vấn cộng đồng ở Việt Nam diễn ra từ tháng 8-2014, mở đầu bằng sự kiện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo tiền tham vấn về dự án thủy điện Don Sahong trong 2 ngày 22 và 23-8 tại Cần Thơ. Sau đó, các cuộc tham vấn cộng đồng đã liên tục diễn ra tại Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Là một trong các đơn vị phối hợp với MRC Việt Nam tổ chức tham vấn cộng đồng các tỉnh, thành ĐBSCL, trong tháng 11-2014, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến người dân Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Kết quả cho thấy gần như tất cả người dân được tham gia lấy ý kiến cho biết chưa nghe về việc xây dựng Don Sahong và các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Dù vậy, chứng kiến thực tế về việc thay đổi con nước trong nhiều năm qua và những tác động về nguồn lợi thủy sản, nhiều người tỏ ra lo ngại rằng các thủy điện sẽ khiến đất đai thiếu phù sa, lũ lụt gia tăng vào mùa mưa nhưng vào mùa khô lại thiếu nước ngọt khiến dòng sông bị xâm nhập mặn, tôm cá cũng không còn nhiều... Vì thế, 100% người dân đều phản đối việc xây đập trên sông Mê Kông. Họ mong mỏi Chính phủ Việt Nam đàm phán với chính phủ Lào để việc xây đập không được thực hiện.
Bình luận (0)