Phóng viên: Sau hơn một tháng thực hiện chỉ thị của UBND TP về tăng cường các biện pháp khắc phục ngộ độc do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện trên rau muống nước, sở có nhận xét gì qua các đợt kiểm tra?
- Kỹ sư Phạm Thuyết: Cái khó nhất hiện nay là kiểm tra không xuể, mà cấm cũng không được, vì trồng rau muống cho lợi nhuận rất cao. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có các biện pháp chế tài cụ thể đối với người trồng và bán rau vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua khảo sát bước đầu, chúng tôi nhận thấy trên 1/3 nông dân trồng rau muống nước vẫn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục và thuốc cấm như: Monitor, Thiodan... Phần lớn các hộ này là dân nhập cư từ miền Bắc vào, thuê đất trồng rau ở các khu quy hoạch dự án cơ sở hạ tầng chưa được triển khai. Đa số nguồn nước tưới rau muống lấy từ kênh rạch bị ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư, bệnh viện... Do vậy, kết quả phân tích mẫu rau tại các chợ đầu mối cho thấy số mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá liều lượng còn rất cao.
Vậy để khắc phục thực trạng này một cách căn cơ, phải có những biện pháp nào, thưa ông?
- Trước mắt, sở sẽ triển khai. Thứ nhất, sau khi hoàn thành đợt kiểm tra vào ngày 10-7, Chi cục Bảo vệ thực vật TP sẽ tiến hành tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho tất cả những hộ dân trồng rau muống nước trên địa bàn TP, song song với các biện pháp tuyên truyền, vận động bằng phiếu bướm để người dân nắm rõ các quy định này. Thứ hai, chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền các quận, huyện liên quan để thành lập các đoàn kiểm tra ở từng địa phương và có những biện pháp xử lý cụ thể như sau: Những trường hợp vi phạm về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi trồng sẽ bị cấm sản xuất, rau độc hại sẽ bị hủy. Đối với những điểm bán thuốc ngoài danh mục sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Đặc biệt là phải thành lập các “nhóm tự quản trồng rau muống nước” ở từng địa phương. Các nhóm này sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật để tự kiểm tra việc trồng rau của từng thành viên, và chuyển giao kỹ thuật trồng rau cho nhau. Các nhóm tự quản cũng sẽ có các tủ thuốc bảo vệ thực vật để bán cho thành viên với giá gốc giúp nông dân không phải mua nhầm thuốc cấm...
Ai cũng thấy sản xuất rau muống sạch chi phí rất cao, sở có hỗ trợ gì cho việc chuyển đổi của nông dân?
- Theo kế hoạch, đến năm 2010, TP sẽ có 8.000 ha rau an toàn, chiếm 100% diện tích trồng rau xanh của TP. Do vậy, việc chuyển đổi sang trồng rau sạch là điều bắt buộc người trồng rau phải thực hiện. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ triển khai 4 vùng sản xuất rau sạch trọng điểm của TP tại các xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi; xã Tân Thới Nhì, Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn và Tân Quy, huyện Bình Chánh với diện tích 300-400 ha.
Người nông dân chuyển đổi sang trồng rau sạch sẽ được Nhà nước hỗ trợ về kỹ thuật, lãi suất vay vốn ngân hàng, kinh phí làm nhà lưới trồng rau và đặc biệt là việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau sạch.
Bình luận (0)