Ngày 12-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự kiến, luật này sẽ được QH thông qua vào ngày 26-11.
Trách nhiệm của công dân
Theo dự luật, trưng cầu ý dân là việc nhà nước tổ chức để cử tri trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Những vấn đề này gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Phan Trung Lý, cho biết cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành sẽ có giá trị thi hành.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Sơn (Trưởng Đoàn ĐBQH Nam Định) cho rằng mục đích của trưng cầu ý dân là phải tìm ra được sự đồng thuận cao, với số cử tri tham gia phải là đa số. “Điều 44 của dự thảo thoạt xem có vẻ đạt yêu cầu nhưng đặt ra một số tình huống lại chưa thỏa mãn” - ĐB Sơn băn khoăn.
Theo ông Sơn, quy định có 3/4 cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân mới hợp lệ. Nếu thực tế có đúng 3/4, nghĩa là 75% cử tri đi bỏ phiếu, trong đó 100% phiếu hợp lệ, 50% tán thành thì thực chất chỉ 37% nhân dân đồng tình; nếu 80% phiếu hợp lệ thì tỉ lệ này chỉ còn 31%..., tức là chỉ dưới 1/3 tổng số cử tri cả nước đồng ý. Như vậy, phương án trưng cầu không phải là sự lựa chọn của đa số, về lâu dài sẽ bất ổn.
Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng trong trường hợp công dân từ chối quyền được trao, họ không bỏ phiếu thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả trưng cầu ý dân. ĐB Thủy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của công dân trong cuộc trưng cầu ý dân để luật chặt chẽ hơn.
Để thu hút cử tri tham gia trưng cầu ý dân, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề xuất cần cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính thức. Bên cạnh các hồ sơ để trình QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân, cần bổ sung báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của từng phương án đến tình hình của đất nước.
“Tức là phải đánh giá cụ thể tác động của từng phương án đề ra. Nếu cử tri chọn phương án này thì tác động đến tình hình đất nước như thế nào, chọn phương án kia tác động ra sao, QH phải thảo luận kỹ những vấn đề này. Sau khi thảo luận kỹ, căn cứ vào đó mới xem xét có nên đưa ra hay không” - ĐB Hùng giải thích.
Người dưới 18 tuổi là trẻ em
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã trình bày tờ trình về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) trước QH.
Đáng chú ý, điều 1 dự thảo luật quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi, vì nhiều lý do. Bộ LĐ-TB-XH cho rằng người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý; chưa đủ năng lực để thực hiện toàn diện quyền và nghĩa vụ công dân; cần có sự hướng dẫn, quan tâm, chăm sóc; cần được bảo vệ về mặt pháp lý và xã hội...
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em cũng quy định: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Ngoài ra, điều 18 Bộ Luật Dân sự năm 2005 cũng quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên”.
Như vậy, pháp luật Việt Nam không quy định tuổi thành niên sớm hơn 18. Do vậy, theo tờ trình, việc nâng tuổi trẻ em là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như quốc tế.
Thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia
Sáng cùng ngày, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020. Theo đó, từ 16 chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, QH đã rút xuống chỉ còn 2, gồm: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là hơn 193.000 tỉ đồng. Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là hơn 46.100 tỉ đồng.
Hoạt động chất vấn có “nội dung rất mới”
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp thứ 10 - các đại biểu sẽ chất vấn đến cùng những vấn đề tồn tại
Thế Dũng ghi
Phóng viên: Theo chương trình nghị sự, từ ngày 16 đến 18-11, Quốc hội (QH) sẽ thực hiện các phiên chất vấn về những vấn đề tồn tại, gây bức xúc. Đến nay, chất vấn của đại biểu (ĐB) gửi về Đoàn Thư ký kỳ họp tập trung vào những vấn đề gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Hạnh Phúc:
Các ĐBQH sẽ chất vấn dựa trên cơ sở những gì tồn tại trong quá trình thực hiện 8 Nghị quyết của QH từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến kỳ họp thứ 10 này. Trong đó, chủ yếu là những nội dung đã được thông qua, như báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của QH, báo cáo của TAND Tối cao, của VKSND Tối cao... Sau đó, Thủ tướng sẽ trả lời chung các nội dung và trả lơi câu hỏi của ĐBQH nếu có.
Ông đánh giá thế nào đối với việc hoàn thành trách nhiệm của các bộ trưởng sau khi đã trả lời chất vấn của ĐBQH về những tồn tại?
- Các bộ trưởng đã có trách nhiệm trong việc giải đáp những vấn đề mà ĐBQH đặt ra và nỗ lực giải quyết tồn tại. Tuy nhiên, cũng có những nội dung chưa đạt yêu cầu, có những vấn đề tiếp tục được ĐB quan tâm chất vấn nhưng vẫn chưa giải quyết được, như cơ cấu ngành nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thương hiệu nông sản trên thị trường thế giới…, tình trạng ngộ độc thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá thuốc, giá dịch vụ y tế, tai nạn giao thông…
Có những vấn đề ĐBQH chất vấn qua nhiều kỳ họp và lần nào bộ trưởng cũng xin lỗi, hứa thực hiện nhưng kết quả thì vẫn không như mong muốn, thậm chí cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ?
- Tại kỳ họp này, ĐB sẽ chất vấn những vấn đề đã được đưa vào nghị quyết giao nhiệm vụ của QH nhưng vẫn chưa thực hiện tốt, đang tồn tại ở các ngành. Bộ trưởng ngành đó sẽ phải báo cáo cụ thể, giải thích trước QH nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Theo tôi, về cơ bản, ĐBQH sẽ “truy” đến cùng những vấn đề tồn tại. Sau khi chất vấn xong, QH sẽ có nghị quyết, gửi lại cho khóa QH sau để theo dõi, đôn đốc, giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong.
Đây có phải là sự đổi mới trong chất vấn ở kỳ họp này?
- Đúng vậy, đây là một nội dung rất mới. Ngay cả hình thức chất vấn của kỳ họp này cũng rất mới, chưa thực hiện lần nào. Tôi hy vọng sự đổi mới này không chỉ để những vấn đề cử tri quan tâm được chất vấn mà còn được thực hiện, triển khai. QH sẽ ghi nhận những gì bộ trưởng làm được, chưa làm được để nhiệm kỳ sau tiếp tục thực hiện, có sự kế thừa, nối tiếp.
Bộ trưởng thất hứa: Bó tay!
Theo ĐBQH Võ Thị Dung (TP HCM), do nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn không có chế tài nên không xử lý được khi các bộ trưởng, tư lệnh ngành không hoàn thành nhiệm vụ. “Xin nói thẳng là sự phối hợp của các bộ, ngành chưa có nhiều chuyển biến. Hệ quả là nhiều lĩnh vực người dân bức xúc nhưng đến nay chưa chuyển biến đáng kể” - bà Dung gay gắt. Theo bà, nhiều vấn đề như tội phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng trong bộ máy công quyền... đến nay đã gần hết nhiệm kỳ QH mà giải pháp vẫn chưa đủ mạnh.
“QH khóa XIII sắp kết thúc, nếu nhìn lại, giờ có kỷ luật các bộ trưởng không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng đã cuối nhiệm kỳ, coi như không có tính khả thi trong chế tài” - ĐB Dung băn khoăn.
Bình luận (0)