Ông Nguyễn Văn B. (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) những ngày này túc trực suốt ở vườn sầu riêng hơn 10 công đất của mình để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) kích thích ra hoa và tăng khả năng đậu trái.
Trồng mà không dám ăn
Ông B. lý giải đây là giai đoạn rất quan trọng, tác động đến cả vụ mùa nên phải dùng hàng loạt loại thuốc BVTV vừa để trị bệnh cho cây sầu riêng vừa tăng khả năng đậu trái, như: Sử dụng thuốc MKB (0-52-34) phun ướt toàn lá với liều lượng 100 g/8 lít nước giúp lá mau thuần thục; phun Paclobutrazol 80-120 g/8 lít đều lên 2 mặt lá khi lá đã phát triển hoàn toàn; dùng Suppracide, Actara, Applaud để trị rầy phấn... Ngoài ra, khi sầu riêng đã ra trái, ông B. còn phun sớm và phun định kỳ để ngừa sâu đục trái bằng Pyrinex, Decis, Lannate, DC Tronplus. “Nếu không cho cây và trái sầu riêng “ngậm” nhiều loại thuốc BVTV thì tỉ lệ đậu trái chỉ đạt vài phần trăm” - ông B. lý giải.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), phản ánh một vài hộ trồng xoài ở địa phương vì lợi nhuận đã dùng thuốc kích thích (đã bị cấm) làm trái lớn nhanh, chín sớm. Nếu người tiêu dùng mua phải xoài loại này để ăn thì sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Thậm chí có hộ dân ở xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long còn dùng thuốc kích thích để chôm chôm ra trái nghịch mùa nhằm bán giá cao.
Vì thế, ông Võ Văn Vinh (một nhà vườn ở quận Cái Răng) cho hay nhiều nhà vườn không dám ăn trái cây của mình trồng vì cho “ngậm” quá nhiều thuốc BVTV độc hại. “Mình không dám ăn mà bán cho người khác ăn thì chẳng khác nào… giết người. Vì thế, tôi thà mất mùa, có bao nhiêu bán bấy nhiêu chứ không rớ đến thuốc kích thích hay thuốc tăng trưởng” - ông Vinh nói.
Tại một hội nghị mới đây tổ chức ở TP Cần Thơ, một lãnh đạo của Hội BVTV Việt Nam đã thốt lên: “Nhiều lần đi tham quan các vườn trái cây đặc sản ở ĐBSCL nhưng tôi không dám ăn thử vì thấy nhà vườn phun quá nhiều thuốc trừ sâu. Họ lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc BVTV, phân bón hóa học đến mức báo động”.
Rau, dưa hấu… to đùng chỉ sau 1 đêm
Theo thống kê của Cục BVTV từ năm 2011 đến nay, mỗi năm Việt Nam nhập và sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, dẫn đến khối lượng lẫn chủng loại thuốc BVTV được sử dụng cao gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng cho ngành sản xuất nông nghiệp. Trong đó, rau màu ngắn ngày là loại cây trồng được nhà nông sử dụng liều lượng thuốc BVTV nhiều nhất.
Thị xã Bình Minh, huyện Tam Bình và huyện Bình Tân (Vĩnh Long); huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang); huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và quận Cái Răng (TP Cần Thơ) là những vùng sản xuất rau màu lớn ở ĐBSCL. Vì muốn có được những đám rau xanh tốt, bắt mắt người tiêu dùng nên không ít nhà vườn “cầu cứu” nhiều loại thuốc BVTV nằm trong danh mục cấm. Hỏi ra mới biết những loại thuốc BVTV mà nông dân sử dụng cho rau màu đều được các đại lý, các cửa hàng bán phân bón, thuốc trừ sâu giới thiệu bằng những lời có cánh.
Đóng vai một nông dân mới thử nghiệm trồng rau muống, chúng tôi đến một cửa hàng bán thuốc BVTV ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng để hỏi mua hạt giống và cách trồng. Bà chủ cửa hàng nhanh nhảu nói: “Nếu bán thì nên dùng những loại thuốc tăng trưởng, thuốc kích thích có nguồn gốc hóa học cho rau mau phát triển. Bảo đảm chỉ sau 1 đêm phun thì cọng rau muống sẽ… to đùng, xanh ngắt”.
Chúng tôi vờ hỏi có thuốc BVTV dạng sinh học, an toàn hay không thì bà chủ cửa hiệu lắc đầu, bảo: “Thuốc BVTV dạng sinh học không giúp rau phát triển nhanh bằng thuốc dạng hóa học. Bây giờ mà dùng thuốc dạng sinh học thì người trồng rau màu chỉ có nước… húp cháo”.
Sau Tết, hàng loạt nhà vườn ở ĐBSCL đang tích cực chăm bón cho vụ dưa hấu mới. Tại nhiều ruộng dưa hấu đang cho trái ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, người trồng đang phun mù mịt thuốc BVTV. Chứng kiến cảnh này, bà Trần Thị Phấn (ngụ thị trấn Một Ngàn) nói: “Họ đang phun thuốc kích thích để trái phát triển nhanh. Chỉ sau 1 đêm thức dậy, trái dưa hấu trở nên… to vật vã, bóng mượt, nhìn rất bắt mắt”.
Theo nhiều chuyên gia, việc lạm dụng thuốc BVTV và chất kích thích tăng trưởng trong trồng rau màu và cây ăn trái là rào cản lớn cho quá trình xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết những năm qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta tăng trưởng liên tục. Nếu như năm 1996, Việt Nam chỉ xuất khẩu rau quả được 90,2 triệu USD/năm thì đến năm 2015, con số này đạt hơn 2 tỉ USD. Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu trái cây sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Malaysia…, chúng ta còn rất yếu. Vì thế, để sản xuất và xuất khẩu rau quả phát triển tốt và tăng trưởng bền vững, cần tổ chức sản xuất một cách bài bản, nghiêm túc; ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều; tổ chức liên kết sản xuất GAP, hữu cơ, hạn chế việc lạm dụng thuốc BVTV…
Bình luận (0)