Chỉ riêng trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, đã có hơn 3.000 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Tín hiệu khởi sắc
Ông Đoàn Đình Khôi, Trưởng Ban Quản lý các cửa khẩu Lào Cai, cho biết khách du lịch Trung Quốc đến từ các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Tứ Xuyên… Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, theo đại diện cảng tàu du lịch Bãi Cháy, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết, lượng du khách quốc tế đến tham quan vịnh Hạ Long rất đông, chủ yếu là khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay trong ngày mùng 1 đã có khoảng 220 chuyến tàu xuất bến, đưa hơn 3.500 du khách đi ngắm vịnh Hạ Long; vào các ngày mùng 3 và mùng 4, trung bình khoảng 5.000 lượt khách tham quan vịnh/ngày.
Sáng mùng 2, tàu du lịch Gemini đã “xông đất” cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng), đưa gần 800 du khách quốc tế đến Việt Nam. Trong tháng 2-2014, các hãng du lịch quốc tế đã đăng ký 25 tàu du lịch hạng 5 sao cập cảng Tiên Sa.
Cũng trong dịp Tết này, hơn 60 chuyến bay đã đưa hàng ngàn du khách quốc tế đến Nha Trang. Trong số này, có 42 chuyến bay trực tiếp từ Nga, 2 chuyến bay từ Hàn Quốc. Đặc biệt, có 17 chuyến bay trực tiếp từ các thành phố lớn của Trung Quốc. Đây là những chuyến bay thuê bao đầu tiên từ Trung Quốc - thị trường mới của du lịch tỉnh Khánh Hòa. Mỗi chuyến có khoảng gần 200 khách, hầu hết lưu trú từ 3-5 ngày.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1-2014 ước đạt trên 722.000 lượt, tăng 7,45% so với tháng 12-2013 và 20,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 thị trường hàng đầu đưa khách đến Việt Nam, Trung Quốc dẫn đầu với gần 159.000 lượt người, Hàn Quốc 82.000, Nhật Bản 58.000, Mỹ gần 52.000, Nga 48.600, Đài Loan 1.500, Campuchia 31.300, Thái Lan 24.000, Pháp gần 20.000, Anh 18.800 lượt người.
Nhờ đâu lượng khách đến Việt Nam nườm nượp? Có người cho rằng do Thái Lan và Campuchia ít nhiều bị ảnh hưởng do các cuộc biểu tình; các nước cùng đón Tết âm lịch giống Việt Nam như Trung Quốc, … thì quá lạnh; còn Việt Nam có nhiều điểm khác lạ, đặc biệt là ẩm thực và những nét văn hóa của Tết cổ truyền.
Lãnh đạo một công ty du lịch lý giải thêm: Đó là nhờ các hãng lữ hành đã tung ra những tour đặc sắc mang đậm nét văn hóa Việt, như: “Du Xuân phương Nam, rước Tết về nhà”, “Tây ăn Tết ta 2014” của Saigontourist; “Hành trình đất Phương Nam”, “Tây Nguyên hùng vĩ” của Công ty Dã ngoại Lửa Việt hay các tour theo vùng miền của Vietravel…
Khách Việt ngày càng chuộng tour ngoại
Trong khi khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao thì xu hướng nhiều gia đình chọn du lịch nước ngoài trong dịp Tết ngày càng phổ biến. Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore... trở thành lựa chọn tối ưu cho những gia đình có điều kiện kinh tế. Những điểm đến có giá từ 7-10 triệu đồng/người như Thái Lan, Campuchia... cũng rất hút khách.
Ông Lê Xuân Hưởng, Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt, cho rằng khi xã hội ngày càng phát triển, điều kiện kinh tế tốt hơn thì đây là một xu hướng tất yếu. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho biết cùng với số lượng khách du lịch nội địa tăng nhanh, khách đi du lịch nước ngoài cũng tăng và đó là chuyện bình thường.
Thực ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, xu hướng trên trở nên phổ biến là do một số tour nước ngoài giá rẻ hơn mà chất lượng lại hơn hẳn tour trong nước. Đó là chưa kể đi nước ngoài không lo bị “chặt chém” và nhiều chuyện bê bối khác. Khách Việt cũng đã ngán ngẩm điệp khúc du lịch lễ, Tết là xô bồ, bực dọc và hành xác.
Du lịch ở các nước chỉ có 2 mùa là cao điểm và thấp điểm, còn Việt Nam thì có thêm các mùa lễ, Tết. Vào những dịp này, giá dịch vụ nhiều nơi không thể kiểm soát, có nơi tăng gấp 10 lần. Giá ăn buffet, xem múa rối bóng và Apsara show tại nhà hàng Bayon (Siem Reap) chỉ bằng 40% giá ăn buffet tương tự ở TP HCM dù giá điện ở Campuchia đắt gấp 10 lần, giá xăng đắt hơn 25% so với ở ta. Tour 4 ngày 3 đêm đi Angkor - Siem Reap - Phnom Penh hoặc Bokor - Sihanouk đều rẻ hơn đi Nha Trang hoặc Đà Lạt. Tour đi Thái rẻ hơn đi Hà Nội dù cùng thời gian và dịch vụ tốt hơn. Vì thế, trong 9 ngày Tết, ước tính có gần 40.000 khách Việt ra nước ngoài. Trong nước, khách tự lái xe, tự tổ chức tour ngang ngửa với khách của các công ty lữ hành.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Du lịch cho rằng không phải vì du lịch trong nước “chặt chém” mà người Việt đi chơi nước ngoài. “Chặt chém” hay ép khách không thay đổi được cơ cấu khách đi du lịch nước ngoài hay nội địa. Ở châu Âu có những nước tỉ trọng người dân đi du lịch nước ngoài xấp xỉ dân số của họ, vì thế phải nhìn nhận điều đó như một hiện tượng bình thường, khách quan theo quy luật phát triển (!).
Đừng ăn xổi!
Khách nước ngoài vào Việt Nam tăng đột biến là điều đáng mừng. Vấn đề là có chiến lược ổn định giá, có chính sách ưu đãi và phân khúc thị trường hợp lý. Trung Quốc dẫn đầu lượng khách vào Việt Nam nhưng chi tiêu còn rất khiêm tốn bởi đa phần là đi đường bộ bằng giấy thông hành qua các tỉnh phía Bắc. Cần ưu tiên cho lượng khách đi đường hàng không bởi họ chi nhiều và rất chịu mua sắm, không hề kém cạnh khách Nga. Có thể miễn thị thực trong vòng 15 ngày chẳng hạn.
Năm 2013, gần 100 triệu du khách Trung Quốc ra nước ngoài. Với lợi thế địa lý gần gũi, văn hóa tương đồng, khí hậu thuận lợi hơn, Việt Nam có thể đón gấp đôi lượng khách Trung Quốc hiện nay (khoảng 4 triệu thay vì gần 2 triệu). Bên cạnh đó, vẫn phải tìm cách tăng khách châu Âu và Mỹ - những thị phần ổn định và bền vững.
Khách Việt đổ xô đi nước ngoài cũng tốt. Điều cần giải quyết là làm sao để chất lượng và giá cả bằng nhau thì trước khi xuất ngoại, người Việt sẽ ưu tiên đi tour trong nước.
Các nước đều không khuyến khích du lịch ba-lô (không thông qua các hãng lữ hành), cả quốc tế và nội địa vì khó quản lý, khó thu thuế. Ngoài việc giải quyết các tệ nạn về an ninh trật tự, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường thì cần có những biện pháp mạnh để ổn định giá cả và chất lượng dịch vụ. Điều đơn giản và có thể làm ngay là tất cả dịch vụ đều phải đăng ký qua mạng và không dùng tiền mặt, nhờ đó vừa chống thất thu thuế vừa chống tăng giá vô tội vạ. Các doanh nghiệp có giấy phép được cấp mật mã để vào mạng, có giá ưu đãi riêng so với giá niêm yết. Các công ty ma, công ty lừa sẽ tự chết vì phải mua giá cao hơn và không thể trốn thuế.
Kiểu kinh doanh “lễ, Tết làm không hết còn quanh năm lần không ra” làm khổ cả kẻ mua lẫn người bán. Cũng giống như đám giỗ thì thức ăn ê hề còn thường ngày thì thiếu hụt. Muốn dẹp bỏ kiểu làm ăn xổi, phải có sự hợp lực của nhiều ban, ngành mà trước tiên là quyết tâm của ngành du lịch bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để du lịch Việt Nam quanh năm nhộn nhịp chứ không chỉ đông đúc trong mấy ngày Tết.
Nguyễn Văn Mỹ
Bình luận (0)