Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông tin từ ngày 18 đến 20-6, Trung Quốc đưa giàn khoan số 9 vào biển Đông. Giàn khoan này sẽ được tàu lai dắt kéo từ tọa độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc - 109 độ 31 phút kinh Đông trên biển Đông, với tốc độ 4 hải lý/giờ.
Ngang ngược và bất chấp tất cả
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho biết giàn khoan số 9 tương tự giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan khổng lồ đang tiến vào phía Tây Bắc của quần đảo Hoàng Sa. Và có thể nó nằm ngoài phạm vi của cái mà Trung Quốc vẫn gọi là vùng biển Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và nằm ngay vùng cửa vịnh, nơi Chính phủ Việt - Trung đang có những đàm phán để phân định phạm vi vùng biển này.
“Tôi cho rằng Trung Quốc đang tiến hành một bước mới, thực sự nhằm vào mục đích khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của chúng ta. Đây rõ ràng là động thái không chỉ hiện thực hóa yêu sách về đường lưỡi bò, quân sự, chính trị mà còn là vấn đề kinh tế. Nó thể hiện quyết tâm của Trung Quốc là muốn tranh giành nguồn tài nguyên mà Việt Nam và các đối tác đang khai thác trên vùng biển của chúng ta” - ông Trục nhận xét.
Cũng theo TS Trần Công Trục, vụ việc này một lần nữa cho thấy Trung Quốc quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm biển Đông, vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Nói một đằng làm một nẻo
Chiều 19-6, đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết Cảnh sát biển Việt Nam đã nắm được thông tin và đang theo dõi rất sát những động thái và hướng di chuyển của giàn khoan thứ 2 này của Trung Quốc.
Tại diễn đàn Quốc hội (QH), khi đề cập việc giàn khoan thứ 2 của Trung Quốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói: “Hành động này càng chứng minh Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo; nói thì tốt, làm thì xấu”. Theo ông Nghĩa, thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan thứ 2, thậm chí là số 3 đã xuất hiện và nằm trong phán đoán của nhiều bên. “Không chỉ là vấn đề giàn khoan mà các hành vi khác của Trung Quốc đều nằm trong chiến lược của họ và chắc chắn sẽ tiếp tục và liên tục. Hệ quả của sự bành trướng là đe dọa an ninh khu vực và an ninh hàng hải quốc tế” - ông Nghĩa nhìn nhận.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, ông Trần Văn Hằng, cho rằng cần phải theo dõi chặt chẽ. “Nếu giàn khoan có xu hướng vi phạm vùng biển của Việt Nam thì chúng ta phải kịp thời có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, lên án để không lặp lại như giàn khoan Hải Dương 981” - ông Hằng đề nghị.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng lực lượng chức năng cần theo dõi chặt chẽ hướng đi của giàn khoan số 9. “Việt Nam cùng các nước liên quan đến biển Đông, biển Hoa Đông phải theo dõi giàn khoan này vì việc dịch chuyển giàn khoan là đều nằm trong kế hoạch từ trước của Trung Quốc” - ông Rinh bày tỏ.
Cần ra nghị quyết và khởi kiện
Ngày 19-6, tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) bất ngờ có phát biểu “lạc đề” khi kiến nghị QH ra nghị quyết về vấn đề biển Đông.
Ông Nghĩa nói: “Từ khi khai mạc kỳ họp thứ 7, đồng bào cả nước vô cùng mong mỏi QH phải nhân danh nhân dân Việt Nam có một nghị quyết tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới lập trường chính nghĩa của mình, lên án hành vi sai trái của Trung Quốc, vạch trần âm mưu “vừa đấm vừa xoa”, “vừa đánh vừa đàm” của Trung Quốc”.
Ông Nghĩa cho rằng nghị quyết cho các cơ quan nhà nước Việt Nam, các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến hành mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, trong đó có biện pháp khởi kiện Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra các tổ chức tài phán quốc tế.
Ngày càng ngang ngược
Hãng tin AP hôm 19-6 dẫn thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan số 9 dài 600 m đang được kéo về phía biển Đông và dự kiến có mặt ở nơi cần đến trong ngày 20-6. Chưa hết, theo báo Economic Observer, Bắc Kinh còn ngang ngược cho phép đăng ký quyền sử dụng đất trên những đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những động thái này chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng ở biển Đông, nhất là khi Trung Quốc vẫn chưa rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Một bằng chứng khác cho chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc là nước này tiếp tục đào đắp đất và xây dựng trái phép các công trình trên bãi Gạc Ma và một số bãi đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quân đội Philippines hôm 19-6 cho biết trong đợt do thám mới nhất, họ đã phát hiện 10-12 tàu Trung Quốc tại vùng biển gần bãi Cỏ Mây (thuộc Trường Sa) và bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh còn khiến dư luận lo ngại khi có kế hoạch xây đảo nhân tạo phi pháp trên bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Vassily Kashin, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow - Nga, nói với Đài Tiếng nói nước Nga rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên xem kế hoạch xây đảo nhân tạo nói trên là mối đe dọa lớn.
H.Phương
Bình luận (0)