Việc Trung Quốc thực hiện liên tiếp 46 chuyến bay chỉ trong vòng chưa đầy 8 ngày kể từ hôm 1-1-2016 qua vùng thông báo bay Hồ Chí Minh để tới đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) bỏ qua tất cả các quy định, quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại và lên tiếng phản đối.
Sau dân sự sẽ là quân sự
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định đây là hành động đã có tính toán kỹ, nằm trong kế hoạch của phía Trung Quốc. Việc này vi phạm nghiêm trọng các quy định an toàn hàng không, không chỉ của Việt Nam mà của cả ICAO nhưng vì đã có kế hoạch từ trước nên Trung Quốc bất chấp tất cả để bay và đã uy hiếp rất nghiêm trọng đối với an ninh hàng không ở khu vực, tạo ra những tiền lệ rất nguy hiểm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với hành động điều máy bay ra đá Chữ Thập, Trung Quốc đã vi phạm chồng chất vi phạm đối với luật pháp quốc tế: Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền bay ra đá Chữ Thập của Việt Nam; thứ hai, máy bay Trung Quốc bay ra đá Chữ Thập không gửi thông báo bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu của Việt Nam, không liên lạc với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy định của ICAO.
Ông Trần Việt Thái phân tích thêm: Sau khi hoàn thành việc bồi đắp và xây dựng sân bay ở những đảo đá đã cưỡng chiếm trong năm 2015, đến năm 2016 này, Trung Quốc chuyển sang việc thực thi kế hoạch quân sự hóa đá Chữ Thập. Đó là, trước tiên Trung Quốc sẽ thử nghiệm máy bay dân dụng để tạo vỏ bọc về dân sự, tiếp đến sẽ là máy bay quân sự.
Ông Thái nhận định rằng có khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông năm 2013 thời gian tới. “Có thể Trung Quốc sẽ cố tình lập ADIZ trên thực tế nhưng thời điểm tuyên bố chính thức thì phía Trung Quốc sẽ còn phải tính” - ông Thái nói.
Liên tục bành trướng
Các chuyên gia đều nhận định hành động bất chấp luật pháp, quy định quốc tế này của Trung Quốc đã làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông vì diện tranh chấp bắt đầu mở rộng cả trên không với tần suất và quy mô ngày càng lớn, mối đe dọa ngày càng tăng.
Hiện Trung Quốc đã tạo lập nguyên trạng mới ở biển Đông sau khi đẩy mạnh cải tạo đảo, hoàn thành bồi đắp về mặt diện tích. Kiểm soát của Trung Quốc trên mặt biển cơ bản đã thay đổi toàn bộ. Nguyên trạng biển Đông ngày càng lệch bởi khi Trung Quốc đồn trú ở đây với lực lượng ngày càng lớn sẽ càng kiểm soát được biển Đông.
Các chuyên gia nhận định trong năm 2016, Mỹ sẽ giảm bớt can dự vào biển Đông mà tập trung giải quyết các công việc nội bộ và một số điểm nóng khác. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng nhân thời điểm này, Trung Quốc sẽ lấn tới, trắng trợn hoàn chỉnh 2 sân bay quân sự, 2 cảng quân sự trên đá Chữ Thập và đảo Gạc Ma của Việt Nam, sau đó đưa máy bay quân sự, tàu chiến xuống các căn cứ quân sự này, khống chế toàn bộ biển Đông và eo biển Malacca. “Trung Quốc dùng chiến lược “không đánh mà thắng”. Họ sẽ không nổ súng nhưng khi đã hiện diện ở vùng biển này thì có thể sẽ đưa hàng trăm hàng ngàn tàu cá tới đây, xua đuổi tàu cá của Việt Nam và các nước trong khu vực đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của mình” - Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích.
Đề nghị hàng không quốc tế phản đối Trung Quốc
Ngày 8-1, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục gửi thư đến Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), nhắc lại Công hàm chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản đối mạnh mẽ hoạt động bay của các tàu bay Trung Quốc đe dọa đến an ninh, an toàn; tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không có thêm các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không lặp lại hành động tương tự, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi thư thông báo đến nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn Quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức Các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn Quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội Các nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.
D.Ngọc - T.Hà
Bình luận (0)