Trong 2 hành động đó, việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự hiện đại trên đảo Gạc Ma ẩn chứa đại họa, đe dọa hòa bình và an ninh không chỉ ở biển Đông mà trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để đánh lạc hướng dư luận, Trung Quốc điều động hàng trăm tàu và máy bay, trong đó có tàu quân sự, hộ tống và bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, sẵn sàng thực hiện các hành động hung hăng, gây hấn chống lại các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Muốn “tạo sự đã rồi”
Trong khi cả thế giới lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 mà chưa thể biết chắc họ hạ đặt giàn khoan này nhằm mục đích gì thì Bắc Kinh lại đang ráo riết, âm thầm và quyết liệt vận chuyển vật liệu, phương tiện xây dựng cùng lực lượng bảo vệ quy mô lớn tới khu vực Trường Sa để xây dựng căn cứ quân sự ở Gạc Ma. Đây mới là mục tiêu chính trong chiến dịch chiến lược tổng thể mà Trung Quốc thực hiện trong thời gian gần đây là nhằm độc chiếm biển Đông.
Kênh tin tức ANC (Philippines, ngày 10-6) dẫn lời ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho biết Trung Quốc xây căn cứ quân sự lớn trên đảo Gạc Ma với sân bay có đường băng dài hơn 1,6 km, có thể làm căn cứ cho các máy bay chiến đấu như J-11 của họ - có tầm hoạt động hơn 3.200 km. Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc cũng đã tiết lộ hình ảnh phác họa căn cứ quân sự ở Gạc Ma. Còn báo Want China Times (Đài Loan) dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với đầy đủ sân bay và hải cảng. Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 8-6 đưa tin Bắc Kinh đang xây dựng một đảo nhân tạo tại bãi đá ngầm Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa cùng căn cứ quân sự tại đây để triển khai sức mạnh quân sự ở biển Đông...
Theo Richard Heydarian, giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc ĐH Ateneo (Philippines), Trung Quốc muốn “tạo sự đã rồi” ở Trường Sa. Họ đang chuẩn bị đối mặt với phán quyết quốc tế về tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các láng giềng trong khu vực. Bắc Kinh dự đoán họ sẽ phải đối mặt với phán quyết pháp lý từ trọng tài quốc tế. Theo thông lệ, trọng tài quốc tế thường ưu tiên, dành đặc quyền cho những quốc gia tiếp tục thiết lập và thực thi quyền chủ quyền hiệu quả và liên tục. Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các cơ sở tại đây, biến nơi này thành các hòn đảo nhân tạo và nằm trong vùng kinh tế 200 hải lý thì nước này có thể tìm ra cách để biện hộ cho chủ quyền của họ ở khu vực này.
Bốn mục đích quân sự
Căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng trên đảo Gạc Ma có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nước này. Đây là nơi họ chuẩn bị để đón tàu sân bay ra hoạt động trên biển Đông, làm bàn đạp để thực hiện chiến lược kiểm soát và từng bước chiếm toàn bộ khu vực Trường Sa. Sau khi chiếm đoạt Trường Sa, cùng với Hoàng Sa đã từng chiếm đoạt của Việt Nam, Trung Quốc theo đuổi tham vọng kiểm soát một khu vực mà Bắc Kinh tự gọi là “đường 9 đoạn” để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”: Bá chủ thiên hạ.
Theo các chuyên gia chiến lược quân sự, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí và giá trị chiến lược cực kỳ quan trọng ở biển Đông. Hai quần đảo này cùng với Bạch Long Vĩ, Cù Lao Thu, Côn Đảo, Thổ Chu… tạo thành tuyến án ngữ vòng ngoài. Các đảo Cô Tô, Bái Tử Long, Hạ Long, Hòn Mê, Hòn Mát, Hòn Ngư, Cồn Cỏ, Cù Lao Ré, Cù Lao Chàm, Hòn Khoai, Phú Quốc… tạo thành tuyến án ngữ vòng trong. Nếu Hoàng Sa là vị trí tiền tiêu chiến lược ở vùng biển Bắc Việt Nam, án ngữ trực tiếp khu vực Đông Nam vịnh Bắc Bộ và từ đó có thể giám sát một vùng rộng lớn ở Bắc biển Đông thì Trường Sa có vị trí tiền tiêu án ngữ toàn bộ vùng biển Nam Việt Nam, kiểm soát một vùng rộng lớn ở phía Đông và Nam biển Đông. Xét về địa chiến lược, 2 quần đảo này nằm ở vị trí liên quan tới lợi ích của nhiều cường quốc hàng hải ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ…
Trung Quốc tranh giành chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhằm 4 mục đích lớn về quân sự: 1) Phối hợp với đảo Hải Nam, tạo thế trận liên hoàn cho các mũi tiến công ở phía trước, hai bên sườn và bọc hậu đối với tất cả những hạm đội của các nước đi vào biển Đông; 2) Bảo vệ đại lục rộng lớn bằng hàng rào phòng thủ vòng ngoài, theo đó Trung Quốc dùng Trường Sa kết hợp với Hoàng Sa và Hải Nam tạo thành một hệ thống phòng ngự từ xa, buộc đối phương ở Nam và Đông Nam biển Đông phải đi qua nhiều tuyến biển trước khi đặt được chân lên lục địa của họ; 3) Từ Hoàng Sa, Trường Sa và Hải Nam, hải quân Trung Quốc có lợi thế nếu đối phương tiến công họ theo hướng biển; 4) Sử dụng Hoàng Sa, Trường Sa để khống chế và kiểm soát toàn bộ cục diện biển Đông.
Với những lợi thế này, Trung Quốc hòng sẽ vô hiệu chiến lược “xoay trục” của Mỹ, sẵn sàng đương đầu với Mỹ trong cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Ngày càng lộ tham vọng bá chủ
Năm 2009, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị Trung Quốc cùng với Mỹ thành lập Nhóm G2 để “cai quản thế giới” nhưng Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từ chối khéo với lý do Trung Quốc vẫn còn là “nước đang phát triển”, không thể “sánh vai” cùng với Mỹ được. Tuy nhiên, bản chất ẩn giấu đằng sau lời từ chối khéo này là Trung Quốc theo đuổi tham vọng bá chủ thiên hạ và một ngày nào đó sẽ thay Mỹ lãnh đạo toàn cầu. Họ đã có chiến lược 30 năm biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền của thế giới, tương tự USD hiện nay.
Năm 2014, Trung Quốc bắt đầu bất chấp tất cả để thực hiện tham vọng chiến lược này, trước hết ở biển Đông - nơi Bắc Kinh coi là “ao nhà” của mình.
Bình luận (0)