xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc tham lam và ngang ngược

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm yêu cầu Trung Quốc từ bỏ mưu đồ độc chiếm biển Đông thể hiện qua yêu sách đường lưỡi bò, cũng như hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam

Trung Quốc quá tham lam, ngang ngược và cố tình bịa đặt nhằm độc chiếm biển Đông. Đối với nhiều tuyên bố về chủ quyền được đưa ra gần đây, Trung Quốc phớt lờ và chưa bao giờ có câu trả lời xác đáng cũng như không thể đưa ra các giá trị pháp lý để chứng minh. Đó là những nhận định của nhiều học giả tại hội thảo quốc tế  Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử, do Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức ngày 20-6 tại Đà Nẵng.

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Nhiều tham luận tại hội thảo đã chứng minh rõ tính pháp lý của Việt Nam về việc khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có nhiều ý kiến của các học giả quốc tế.

Các đại biểu trao đổi về tình hình biển Đông bên lề hội thảo
Các đại biểu trao đổi về tình hình biển Đông bên lề hội thảo

Nói về quần đảo Hoàng Sa, ông Carl Thayer, nguyên giáo sư Học viện Quốc phòng Úc, nhấn mạnh Việt Nam có nhiều cơ sở xác đáng đối với quần đảo Hoàng Sa. Cụ thể, trong thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn đã ra lệnh các quan chức thu nạp thủy thủ cho từ 5-18 thuyền tạo ra Đội Hoàng Sa. Đội này đã hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa khoảng 5 tháng để đánh cá, vẽ bản đồ, khảo sát và lấy hàng hóa từ các tàu buôn bị chìm.

Tiếp theo, vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu Hoàng Sa từ năm 1816. Dưới thời của người kế vị, vua Minh Mạng, Đội Hoàng Sa lại tiếp tục khảo sát và vẽ  bản đồ quần đảo, xây một miếu thờ và dựng bia đá đánh dấu lãnh thổ của Vương quốc An Nam vào năm 1835.

Ông Dmitry Valentinovich Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các nước Đông Nam Á, Úc và châu Đại Dương, thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga - cũng viện dẫn năm 1847, vua Thiệu Trị phê vào bản tâu của Bộ Công rằng:  “Xứ Hoàng Sa thuộc vùng biển nước ta. Theo lệ, hằng năm có phái binh thuyền ra xem xét thông thuộc đường biển”. Theo ông Mosyakov, chỉ từ giữa thế kỷ XIX, chính quyền Việt Nam mới ghi nhận sự có mặt của ngư dân Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Còn về quần đảo Trường Sa, không một học giả nào có thể tìm ra bằng chứng xác đáng về sự có mặt của người Trung Quốc từ thời xa xưa. Ngư dân Trung Quốc lần đầu tiên đến Trường Sa là vào năm 1867. Học giả này cũng khẳng định có rất nhiều tài liệu được lưu trữ ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy từ trước đây hàng thế kỷ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Bổ sung thêm, TS Trần Đức Anh Sơn, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết từ thế kỷ XVI-XIX, người phương Tây cũng đã đo vẽ, thực hiện và xuất bản nhiều hải đồ, bản đồ về châu Á, Đông Nam Á và biển Đông, trong đó có thể hiện quần đảo Hoàng Sa và những hòn đảo khác dọc theo bờ biển Việt Nam trong mối liên hệ địa dư với lãnh thổ Việt Nam. Hiện ông đã tiếp cận và thu thập được hơn 100 thư tịch có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa và quá trình khám phá, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, được xuất bản bằng các thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý và Hà Lan.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng hành động của Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 và chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Qua đó, nhấn mạnh hành động xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc không thể tạo ra danh nghĩa về chủ quyền.

Tạo ra căng thẳng nguy hiểm

Nhiều học giả đã lên tiếng phê phán hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đã có nhiều hành động bạo lực như đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam. Các đại biểu cũng nhất trí là việc căn cứ vào những chứng cứ pháp lý, lịch sử dựa trên luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Những hành động sử dụng sức mạnh cố ý phá vỡ nguyên trạng, gây bất ổn khu vực, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước khác nhằm thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông của bất kỳ bên nào đều không thể chấp nhận.

Ông Carl Thayer nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam đã vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. “Việc Trung Quốc sử dụng tàu quân sự, máy bay hiện nay là trở ngại chính cho việc quản lý các giá trị chung trên biển Đông” - ông  Carl Thayer nói. Theo ông Carl Thayer, các nước ASEAN nên dự thảo và phê chuẩn một hiệp ước về quy tắc ứng xử cho các lợi ích biển chung của Đông Nam Á.

Sau khi phân tích kỹ những giải pháp trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông, giáo sư Jerome A. Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ -châu Á, Đại học Luật New York, cho rằng quan điểm chống lại sự tham gia của các cơ chế pháp lý của Trung Quốc đang tạo điều kiện cho các nước láng giềng tăng cường hợp tác phòng thủ với nhau, cũng như tìm kiếm sự ủng hộ lớn hơn từ các nước lớn ngoài khu vực. Tình hình này đi ngược lại với các mục tiêu ngoại giao chuyên nghiệp của Trung Quốc và tạo ra căng thẳng đầy nguy hiểm đang tăng lên trong khu vực.

Theo giáo sư Jerome A. Cohen, Trung Quốc nên cân nhắc lại sự thù địch của họ đối với các phán quyết của các cơ chế trọng tài công bằng và học cách được hưởng lợi từ những khả năng đó.

 

Nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân

Đó là chủ để buổi tọa đàm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức ngày 20-6 tại Hà Nội. Tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng, PGS -TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an - đã trao đổi, phân tích, lý giải xung quanh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đồng thời nêu giả thiết về kế hoạch, động thái của chính quyền Trung Quốc từ nay đến ngày 15-8.

Thông qua buổi tọa đàm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của công dân, đặc biệt là thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Cùng ngày, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - những bằng chứng lịch sử” nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. B.T.K

 

Đường lưỡi bò không có giá trị

Ông Daniel Schaeffer, Chuyên gia Bộ Quốc phòng Pháp, cho rằng Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” không kèm theo bất cứ lời giải thích nào nên hoàn toàn không có giá trị. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã ráo riết hiện thực hóa yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” bằng các hành động xâm phạm chủ quyền các nước Philippines, Việt Nam, Malaysia. Vì vậy, vấn đề “đường lưỡi bò” không thuộc trách nhiệm của riêng nước nào trong khu vực mà là của cả cộng đồng quốc tế. Do đó, cần phải đạt được sự đồng thuận quốc tế để yêu cầu Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.

 

Diễn tập bảo vệ chủ quyền vùng biển

Sáng 20-6, tỉnh Cà Mau đã tổ chức diễn tập vận hành cơ chế huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ  chủ quyền vùng biển theo Nghị định 30/2010  của Chính phủ tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Đây là hoạt động thường xuyên, hằng năm nhằm nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc diễn tập chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, chuyển lực lượng vũ trang vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu; chuyển địa phương vào các trạng thái tình huống về quốc phòng. Giai đoạn 2, tổ chức chuẩn bị tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam. Giai đoạn 3, thực hành huy động tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam.

Theo kịch bản giả định, sau khi tổ chức phần vận hành cơ chế, xây dựng kế hoạch, phương án huy động nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự, các lực lượng sẽ tham dự hội nghị dân chủ quốc phòng. Tại cảng cá Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, các ngành, các cấp huy động 30 tàu có công suất từ 250 CV trở lên cùng 300 người bàn giao cho lực lượng chức năng. Sau khi tiếp nhận, lực lượng chức năng sẽ tổ chức biên chế, trang bị, huấn luyện phương pháp đấu tranh đối với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Phương châm đấu tranh là kiên trì, mềm dẻo nhưng kiên quyết, tuân thủ đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước và Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982. D.Nhân

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo