Tình hình biển Đông và việc sơ tán người Việt tại Libya nhận được sự quan tâm của báo giới tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều 7-8.
Liên quan đến thông tin Trung Quốc khảo sát 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để xây dựng các ngọn hải đăng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam đang xác minh vấn đề này”, đồng thời tái khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do vậy, mọi hành động của Trung Quốc ở 2 quần đảo này đều bất hợp pháp và vô giá trị.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc trì hoãn hợp tác cùng ASEAN trong việc tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), đoàn Việt Nam có đề xuất gì để thúc đẩy ký kết COC trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) sắp diễn ra vào ngày 10-8 tới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực nhằm tăng cường vai trò của ARF trong đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, đồng thời tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh.
Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN rằng cần sớm có một bộ quy tắc ứng xử có tính tổng thể, ràng buộc nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Các bên cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa thúc đẩy tham vấn một cách tích cực và thực chất nhằm sớm tiến tới đạt được bộ quy tắc ứng xử này.
Về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Libya, ông Lê Hải Bình thông báo tính đến ngày 7-8, đã có 246 lao động Việt Nam rời khỏi Libya. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các đợt đưa lao động về nước bằng đường hàng không.
Cùng ngày, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết Ai Cập đã chấp thuận mở cửa khẩu biên giới tiếp nhận công dân Việt Nam được quá cảnh về nước. Lúc 17 giờ ngày 7-8 (giờ Việt Nam), Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã tiếp nhận 25 công nhân Việt Nam tại TP Banghazi, Tripoli thuộc 2 Công ty Vinaconecmex và Simco Sông Đà phái cử, do Công ty NDCC tại Libya tuyển dụng.
Chính phủ Tunisia cũng đã đồng ý về nguyên tắc cho phép 67 công dân Việt Nam thuộc Công ty Vitech phái cử và Công ty ANC ở Libya tuyển dụng, đang lao động tại TP Tripoli, được quá cảnh để tiếp tục sơ tán bằng đường hàng không từ Tunisia về Việt Nam.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH Hyundai Engineering (HEC), nhà thầu sử dụng 682 lao động Việt Nam ở tỉnh Gubba, đã thuê 4 chuyến bay của Hãng Hàng không Ai Cập sơ tán toàn bộ số lao động này từ Libya sang sân bay Cairo (Ai Cập), bắt đầu từ ngày 7-8. HEC cũng đã ký hợp đồng thuê 3 máy bay A330 của Vietnam Airlines để đưa 682 lao động từ sân bay Cairo về Việt Nam, dự kiến từ ngày 9 đến 11-8. Nếu không có gì thay đổi, ngày 10-8, những lao động đầu tiên làm việc cho HEC tại Libya sẽ về đến Việt Nam.
Theo kế hoạch, đến giữa tháng 8, toàn bộ 1.500 lao động Việt Nam tại Libya sẽ được sơ tán bằng đường bộ và hàng không sang Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ... trước khi đưa về Việt Nam.
Bình luận (0)