Những mảnh đời bất hạnh
Khi được đưa vào Trung tâm GDDNTN TP, mỗi em đều có một tuổi thơ “dữ dội”: đi bụi, móc túi, giật dọc, ăn xin... Với gương mặt hiền lành, giọng nói nhỏ nhẹ như con gái, khó ai nghĩ rằng cậu bé Phan Văn T. (14 tuổi) đã một có thành tích “đáng nể”: 5 năm đi bụi, sống bằng “nghề” ăn xin khách du lịch nước ngoài ở khu vực trung tâm TP. T. bỏ nhà đi bụi từ lúc 9 tuổi, vì... chán mẹ chỉ lo đánh bài, ghét cha hễ có tiền là đi uống bia “ôm”, lại còn đánh đập con cái. T. tâm sự: “May mà con được đưa vào đây, nếu không tụi đàn anh còn bắt con đi bán hàng trắng nữa!”. Cùng hoàn cảnh với T. là hai chị em Võ Thị Ánh M. và Võ Thị Ánh L. (12 và 13 tuổi): Mẹ bị bắt do bán ma túy, cha đưa hai chị em đến khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão để vừa bán thuốc lá vừa xin tiền khách. Được sinh ra trong những gia đình ăn mày từ đời ông bà, các em Hoa, Mỹ, Tâm... ngay từ khi vừa lọt lòng đã bị chính cha, mẹ bồng đi ăn xin, đến khi lớn lên thì lại được huấn luyện để “hành nghề” một mình.
Chắp cánh cho các em
Dẫn chúng tôi đi tham quan nơi ăn, ở, học hành, vui chơi... của các em, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Quản lý giáo dục, Trung tâm GDDNTN TP, cho biết trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 500 trẻ lang thang, ăn xin từ 7 - 16 tuổi. Khi vào trường, đa số các em đều khó hòa nhập với môi trường mới. Thậm chí, có em còn tìm cách trốn trường hoặc có tâm lý chờ gia đình bảo lãnh về... để ăn xin tiếp. Phải khó khăn lắm, các thầy, cô của trung tâm mới giúp cho các em lấy lại được niềm tin qua các buổi sinh hoạt tập thể hoặc những môn học, môn thể thao mà các em thích... Từ “một chữ bẻ đôi cũng không biết”, sau một thời gian được thầy cô dạy dỗ, dìu dắt, nhiều em đã tốt nghiệp THPT. Ngoài học văn hóa, các em còn được dạy sửa xe, uốn tóc, may vá... Thầy Nguyễn Văn Tâm, người mà các em thường gọi một cách thân thiết là “bố” Tâm, cho biết các em tiếp thu cách sửa chữa xe máy rất nhanh, chỉ vài tháng đã có thể tự thay sên cam, điều chỉnh xu páp... Sau khi có chứng chỉ tốt nghiệp, các em sẽ được trung tâm giới thiệu ra các tiệm sửa xe học thêm kinh nghiệm.
Và những quả ngọt...
Các thầy, cô tại Trung tâm GDDNTN TP không sao giấu được niềm tự hào khi kể về sự trưởng thành của các em. Nguyễn Văn M. (21 tuổi, quê ở Đồng Tháp) vào trung tâm từ lúc 10 tuổi, tỏ ra lì lợm, ít nói, sống bất cần đời. Nhưng nay, M. đã tốt nghiệp THPT và hiện đang lo luyện thi đại học. M. bộc bạch: “Nhờ mái ấm này và sự giúp đỡ của các thầy, cô mà mong ước vào đại học của em sắp trở thành hiện thực”. Để đền đáp công ơn đó, M. cho biết em sẽ đăng ký thi vào khoa xã hội học của trường đại học khoa học xã hội và nhân văn để sau này có thể về làm công tác tư vấn cho những đứa trẻ có cùng hoàn cảnh như mình. Tương tự, Trần Văn H. (22 tuổi), từ một đứa trẻ xấc xược, ngổ ngáo ngày nào nay đã tốt nghiệp loại giỏi lớp trung cấp điện tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Kỹ thuật 4, được tuyển thẳng làm quản lý mạng lưới điện của một trung tâm cai nghiện ma túy. Nhiều em khác, sau khi tốt nghiệp, có một nghề trong tay như may, uốn tóc, sửa xe... sẽ được trung tâm bố trí vào nhà mở (gọi là “nhà chuyển tiếp”), nhằm giúp các em có điều kiện vừa đi học, vừa đi làm, tạo một thói quen tự lập, đặc biệt là giúp các em mau chóng hòa nhập cộng đồng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phết, Phó Giám đốc Trung tâm GDDNTN TP, tâm sự: “Chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi giúp các em hòa nhập được với cộng đồng. Hy vọng từ ngôi trường này các em sẽ đủ sức rộng cánh bay để tự tạo cho mình tổ ấm tốt đẹp trong tương lai”.
Bình luận (0)