Được khởi công năm 2002, đến tháng 1-2006, Trung tâm Thương mại trái cây Quốc gia (TMTCQG) ở xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang bắt đầu hoạt động sau khi vốn đầu tư ban đầu từ 17 tỉ đồng tăng lên gần 100 tỉ đồng với sự tham gia của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). Theo ngành thương mại Tiền Giang, đây là Trung tâm TMTCQG đầu tiên trong cả nước do tỉnh Tiền Giang phối hợp SATRA đầu tư xây dựng, có diện tích 120.000 m2, là chợ bán sỉ - lẻ trái cây lớn nhất vùng ĐBSCL với các khu bán sỉ trái cây, kho lạnh, siêu thị trái cây, nhà hàng khách sạn, bến cảng.
Chưa hấp dẫn!
Chúng tôi đến Trung tâm TMTCQG vào những ngày cuối tháng 2-2006. Khác hẳn không khí tưng bừng của ngày khai trương, Trung tâm TMTCQG những ngày này vắng hoe, khoảng sân rộng và những con đường lởm chởm đất đá, mịt mù bụi đỏ. Trong siêu thị trái cây rộng 12.000 m2, những gian hàng tạp hóa, hàng gia dụng, quần áo may sẵn vắng lặng, người bán hàng ngồi quanh ấm trà ngáp dài ngáp vắn, nhìn khách lạ với ánh mắt tràn trề hy vọng. Lạ lùng hơn, tiếng là siêu thị trái cây nhưng nơi này chỉ có 5 gian hàng bày, trong đó có một gian của SATRA. Anh Lê Phụng, chủ một quầy trái cây, than: “Chỉ có những ngày Tết vừa qua là bán được mỗi ngày vài triệu đồng, còn gần một tháng nay ngày nào bán được cao lắm cũng chỉ khoảng 200.000 đồng”. Trong khi đó ở gian hàng trái cây của SATRA, các nhân viên cho chúng tôi biết mỗi ngày bán ra chưa được 100.000 đồng. Do siêu thị chưa lắp máy điều hòa nhiệt độ nên trái cây đưa vào bày bán chỉ sau 2 ngày là rụng cuống, xuống màu, héo quắt. Tuy giá bán trái cây trong siêu thị không cao (mận An Phước 15.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 25.000 đồng/kg, bưởi da xanh 20.000 đồng/kg, xoài cát chu 20.000 đồng/kg...) nhưng rất ít khách mua vì “đường vào siêu thị chưa có, ít người biết cảnh quan của Trung tâm TMTCQG còn quá bừa bộn, không thu hút” - ông Đặng Hùng, quản lý nhà hàng, khách sạn SATICO trong siêu thị, nói.
Giải pháp: Kết hợp mua sắm với du lịch
Ban điều hành quản lý Trung tâm TMTCQG cho biết thời gian gần đây doanh thu mỗi ngày của khu siêu thị trái cây chưa đến 5 triệu đồng, không đủ tiền thanh toán chi phí điện thắp sáng. Nếu không có một giải pháp kịp thời chấn chỉnh thì chẳng bao lâu chợ trái cây “hoành tráng” này sẽ chết yểu như nhiều khu chợ khác. Theo ông Nguyễn Đức Quyết, Phó Ban Điều hành quản lý siêu thị trái cây, điều trước tiên là phải gấp rút hoàn chỉnh hạ tầng kiến trúc để bộ mặt Trung tâm TMTCQG khang trang, thu hút được khách qua đường vào tham quan, mua sắm. Một hệ thống điều hòa không khí trị giá 750 triệu đồng sẽ được lắp đặt cho siêu thị để giảm thiểu tình trạng trái cây mất chất lượng do nắng nóng. Việc thu hút thương lái, nhà vườn mang sản phẩm trái cây vào mua bán ở Trung tâm TMTCQG là rất cần thiết nhưng để thu hút được đội ngũ này cần có chính sách ưu đãi cụ thể bởi “lâu nay chúng tôi mua bán quen nơi, quen chỗ, quen mối mang và ít có thói quen thay đổi nơi mua bán, vào Trung tâm TMTCQG mua bán thì có lợi gì?” - ông Tạ Văn Hải, mua bán trái cây khu vực chợ An Hữu, đặt vấn đề.
Trong khi đó một giải pháp khác cũng được đưa ra để “cứu” siêu thị trái cây. Theo ông Đặng Hùng, chỉ có liên doanh liên kết với các công ty du lịch lữ hành ở TPHCM thiết kế các tour du lịch sông nước mà điểm tập kết khách và nghỉ ngơi là Trung tâm TMTCQG thì khối liên hoàn nhà hàng, khách sạn, siêu thị trái cây mới có cơ may tồn tại và phát triển. Theo dự kiến, kế hoạch này sẽ được triển khai vào tháng 6-2006 nhưng muốn thu hút khách thường xuyên, ổn định thì đòi hỏi phía siêu thị, nhà hàng, khách sạn phải luôn tự làm mới mình: hàng hóa phong phú, giá cả phải chăng, nhiều loại hình du lịch sông nước mới lạ, hấp dẫn du khách.
Bình luận (0)