Ngày 10-12, Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Cao Sỹ Phượng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (một huyện xếp vào loại nghèo tỉnh Quảng Bình) xác nhận có sự việc như trên nên thời điểm này Trung tâm đang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí hoạt động.
“Tôi vừa mới được luân chuyển về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa từ đầu tháng 5 năm đến nay nên không rõ mọi việc chi tiêu ngân sách hoạt động tại cơ quan này từ trước đó. Do kinh phí hạn hẹp nên đang cố gắng tự khắc phục, chính vì thế mọi hoạt động của cơ quan cũng hạn chế dần” – ông Phượng nói.
Theo xác minh cho thấy từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 5-2016, trong bảng danh sách các khoản chi tiêu đầu năm tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa thì đơn vị này đã “vung tay quá trán” khi xài ngân sách một cách quá lãng phí.
Tại bảng đối chiếu tình hình sử dụng kinh phí hoạt động ngân sách tại kho bạc nhà nước từ tháng 1 đến tháng 5-2016 của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa, chỉ mới 4 tháng đầu năm 2016 nhưng cơ quan này đã chi hết hơn 1,7 tỉ đồng. Trong khi đó kinh phí hoạt động của cả năm của Trung tâm chỉ 3,4 tỉ khiến ngân sách 8 tháng còn lại bị thâm hụt trầm trọng. Trong đó có khoản tiền chi cho việc “tiếp khách” với số tiền lên tới 295 triệu đồng, văn phòng phẩm 50 triệu đồng, chi các khoản khác 70 triệu đồng… nhưng chưa minh bạch và rõ ràng khiến tập thể cán bộ, nhân viên tại cơ quan này rất bất bình còn dư luận huyện nghèo này bức xúc.
Theo tìm hiểu, hậu quả việc chi tiêu tiếp khách với số tiền “khủng” chỉ tại Trung tâm của một huyền nghèo miền núi này do ông Lê Đình Thi nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa điều hành. Hiện ông này đã được luân chuyển công tác sang nhận nhiệm vụ tại Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Minh Hóa.
Từ tháng 6-2016, Ban lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa đã có báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Bình trình bày về việc thiếu kinh phí hoạt động của 7 tháng cuối năm 2016 với nội dung thực hiện quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình về việc điều động công tác, sau khi tiếp nhận công việc triển khai bàn giao về tài sản, nhân lực, tài chính. Khi cân đối lại ngân sách thì thấy ngân sách bị bàn giao không cân đối và bị thâm hụt trầm trọng.
Theo đó kinh phí đối chiếu với kho bạc từ tháng 1-2016 đến ngày 10-5-2016 với dự toán đầu năm giao gần 3,5 tỉ đồng (hoàn toàn tự chủ). Tuy nhiên chỉ mới 4 tháng đầu năm, dự toán đã sử dụng hết hơn 1,7 tỉ đồng còn lại xấp xỉ số nửa tiền trên. Trước thực trạng thiếu kinh phí trầm trọng này Trung tâm đã gửi Sở Y tế xin hướng chỉ đạo và giải quyết.
Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết ông có nắm được thông tin trên nhưng chưa lập đoàn kiểm tra là do hiện nay Sở quản lý về mặt chuyên môn là chủ yếu còn ngân sách do UBND tỉnh cấp hoạt động nhưng dưới sự giám sát của Sở Tài chính. “Thường vào cuối năm, mọi hoạt động kinh phí thì các đơn vị trực thuộc mới báo cáo để sở tổng hợp và kiểm tra một lần” – ông Cường nói.
Bình luận (0)