Tại buổi gặp gỡ đột xuất tài xế, tiếp viên và đơn vị quản lý xe buýt tại Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM sáng 14-3, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, cho biết sở muốn nghe các ý kiến để tìm ra những giải pháp nhằm chấn chỉnh, nâng cao độ an toàn và thu hút khách lên phương tiện này.
Theo ông Cang, một trong những nguyên nhân khiến xe buýt giảm độ an toàn là do mật độ xe máy trên đường quá đông. Năm 2003, TP HCM có khoảng 2,3 triệu xe máy nhưng nay đã lên đến 6,3 triệu chiếc. Trong khi đó, mỗi ngày có 17.000 lượt xe buýt chạy trên đường nên khả năng va chạm là rất cao.
Năm 2013, theo thống kê, địa bàn TP HCM xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt làm 4 người chết. Gần đây, một số vụ tai nạn lại dính đến xe buýt khiến dư luận bức xúc, lo ngại. “Chừng nào tai nạn còn liên quan đến xe buýt thì Sở GTVT TP HCM phải tìm cách chấn chỉnh” - ông Cang khẳng định.
Về việc nhiều xe buýt chạy ẩu, tài xế Trần Đức Hòa, chạy tuyến số 9 (Chợ Lớn - Hưng Long), lý giải: “Nếu tôi chạy an toàn, đàng hoàng thì xe không có khách vì tuyến số 9 trùng với tuyến 82 (Chợ Lớn - Ngã ba Tân Quý Tây) gần như 100%, chưa kể trùng với tuyến 80 (Chợ Lớn - Ba Làng) gần 80%. Nếu xe 2 tuyến kia chạy trước, xe tôi theo sau thì chạy hoài không có khách nào, mà không có khách thì chủ xe không có tiền trợ giá”. Theo ông Hòa, tài xế nhiều tuyến khác cũng than phiền việc trùng tuyến gây áp lực rất lớn đến chuyện rước khách.
Với kinh nghiệm gần 10 năm lái xe, anh Nguyễn Minh Hải, chạy tuyến số 8 (Bến xe quận 8 - Đại học Quốc gia), cho biết: “Tuyến tôi chạy trên những đường rất đông xe, vào cả giờ bình thường chứ không chỉ tan tầm. Lộ trình tuyến này phải ra vô hơn 30 trạm. Ngán nhất là những trạm bị chiếm dụng để đậu taxi trên đường Lý Thường Kiệt, xe buýt rất khó ghé sát vào đón trả khách. Trong khi đó, tài xế sơ hở ghé xe đón trả khách bên ngoài là bị CSGT, lực lượng kiểm tra của Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng xử phạt ngay”.
Nhiều tài xế tâm sự họ rất lo ngại khi tai nạn liên quan đến xe buýt xảy ra. “Lúc đó, nhiều người sẽ nhìn giới tài xế xe buýt với ánh mắt khác, trong khi cần xem lại ý thức người đi đường. Nhiều người ý thức rất kém, chạy xe cá nhân tấp ngang đầu xe buýt hoặc lạng lách, vượt ẩu. Chúng tôi ước gì có làn đường riêng và giảm lượng xe máy thì lúc đó, xe buýt sẽ rất an toàn” - một tài xế thổ lộ.
Ông Tất Thành Cang cho biết sẽ thực hiện ngay 2 giải pháp để chấn chỉnh xe buýt. Theo đó, từ nay đến hết tháng 6-2014, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng phải rà soát tất cả luồng tuyến, tuyến nào trùng lắp thì giải quyết ngay. Sở GTVT TP HCM sẽ tập trung sửa chữa bến bãi, kiểm tra việc lấn chiếm các trạm dừng, nhà chờ để phối hợp với lực lượng chức năng “giành” lại.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, muốn phát triển xe buýt thì phải hạn chế xe cá nhân nhưng cần lộ trình khá lâu. Trong khi chờ đợi thực hiện lộ trình này, xe buýt phải tự chấn chỉnh để thu hút khách, từ giá cả đến chất lượng phục vụ. “Giá vé không nên tăng vì hành khách sẽ ngán ngại. Do đó, nhà nước cần tăng trợ giá xe buýt nếu tiền lương tối thiểu và xăng dầu tiếp tục tăng” - ông Cang đề xuất.
Kiến nghị sử dụng xe dưới 16 chỗ
Theo ông Tất Thành Cang, tập trung phát triển vận tải công cộng là nhiệm vụ trọng tâm của Sở GTVT TP HCM giai đoạn hiện nay. Do vậy, sở sẽ tham mưu UBND TP HCM tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông bằng xe buýt, trong đó có kế hoạch thay đổi phương tiện phù hợp - xe lớn chạy tuyến đường lớn, xe nhỏ đường nhỏ, để thuận tiện cho việc đi lại của người dân trong các con hẻm, khu dân cư...
“Sở GTVT TP HCM sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT… cho phép phương tiện dưới 16 chỗ tham gia đưa rước khách nhằm tăng khả năng kết nối, vận chuyển trên những tuyến đường nhỏ” - ông Cang cho biết.
Bình luận (0)