Thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được ví như “làng Hoàng Sa” ở đất liền bởi đa phần người dân đều có những quảng đời gắn với biển trời Hoàng Sa.
Ở “làng Hoàng Sa”, học sinh đến trường cũng gian nan, cách trở như công cuộc bám biển, giữ ngư trường của cha mẹ các em. Những ngôi trường mới ở “làng Hoàng Sa” được dựng lên từ Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động tài trợ như tiếp thêm sức mạnh cho các em, cha mẹ các em trong công cuộc bám biển, giữ ngư trường.
Đi biển cũng phải học chữ
Những ngày giữa tháng 7, tôi trở lại thôn Châu Thuận Biển nhân việc một tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa mới đây. Ở thôn này, hầu như đàn ông ai cũng đi khai thác hải sản ở biển Hoàng Sa. Bởi vậy, trong những năm gần đây, trước sự hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc, chuyện tàu cá của ngư dân ở đây bị người Trung Quốc đập phá, tông chìm… xảy ra như cơm bữa.
Ôm đứa con gái vừa tròn 7 tuổi sau chuyến biển bị tàu Trung Quốc đập phá tài sản trở về, ngư dân Nguyễn Văn Thuật (ngụ thôn Châu Thuận Biển) cười hớn hở: “Trên biển, tôi lo nhất là cái “cục” này. Đi biển cả tháng trời, đối mặt bao cực khổ, hiểm nguy, tai ương nhưng mỗi lần nghĩ về đứa con của mình ở nhà là mọi ưu phiền tan biến, hiểm nguy cũng vượt qua”.
Hơn 10 năm đi biển, anh Thuật từng bị người từ các tàu Trung Quốc đập phá, bắt bớ không biết bao nhiêu lần. “Nhiều lúc bị tàu Trung Quốc bắt giữ, nghĩ về gia đình, vợ con khiến mình lo hơn… Ngày trước, thấy tụi nhỏ học ở ngôi trường cũ xuống cấp, hư hỏng nặng, tôi lo lắm. Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, bão tố, giông lốc liên miên, thậm chí mái tôn, mái ngói bị gió “lột” như bỡn. Nếu có chuyện gì thì mình ân hận cả đời. Cũng may, bây giờ các cháu có trường học mới khang trang, kiên cố hơn” - anh Thuật nói.
Ở xã Bình Châu không riêng gì trường hợp ngư dân Nguyễn Văn Thuật mà hàng trăm, hàng ngàn gia đình khác cũng có người ngày đêm bám biển mưu sinh, nhiều người thoát nghèo từ biển nhưng cũng có người nằm lại vĩnh viễn ở khơi xa. Họ ra đi bỏ lại những đứa trẻ mồ côi lặng lẽ lớn lên giữa bão tố cuộc đời.
Trong số nhiều đứa trẻ đó, có trường hợp cháu Võ Thị Trà My, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học số 1 Bình Châu. Cách đây 5 năm, cha cháu My - ngư dân Võ Văn Vàng - gặp tai nạn rồi tử vong trong một chuyến đi biển Hoàng Sa. Mất chồng, chị Nguyễn Thị Kiều Hưng (31 tuổi, mẹ cháu My) bơ vơ, chẳng biết bấu víu vào đâu khi không nhà, không cửa, không vốn làm ăn. “Tài sản” duy nhất của hai vợ chồng là cháu My và đứa con trai Võ Nhật Thảo lúc đó còn trong bụng mẹ.
“Khó khăn chồng chất. Sinh đứa thứ 2 xong, em đi làm cá ở dưới cảng kiếm tiền mua sữa cho con. Nhưng bữa làm được, bữa không vì người làm đông quá, cá vô thì ít. Nhiều lúc túng quẫn, không biết xoay xở thế nào để đóng tiền cho con đi học. Mỗi lần con đi học, trường quá xa nên em phải ở nhà chở con đi học, mất cả buổi làm. Mấy lần như thế, tính không cho con đi học nữa” - chị Hưng khóc.
Bà ngoại cháu My cho biết vì cuộc sống quá khó khăn nên hiện chị Hưng đã đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Malaysia kiếm tiềm nuôi con, hai đứa nhỏ gửi ông bà ngoại trông giùm.
“Nhiều lúc mẹ nó túng quẫn quá, nghĩ không cho tụi nhỏ đi học nữa nhưng tôi cố động viên. Bây giờ có trường sát bên, người ta đã bỏ bao công sức, mồ hôi để xây cho con cháu mình học, sao mình có một chút khó khăn lại bỏ. Đời trước cha nó không học đã đành, giờ đời con phải cố gắng bằng mọi giá. Phải cho tụi nhỏ học kiếm cái chữ, cái nghĩa. Đừng nói đi làm gì cho xa xôi, ngay cả đi biển cũng cần học trước đã, học xong hãy tính đến chuyện đi biển, bám biển giữ quê hương” - bà Huệ nói.
Giúp các cháu là giúp ngư dân
Có lẽ người thấm thía bao nỗi buồn vui ở xứ biển hơn ai hết là ông Nguyễn Thanh Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu. Ông Hùng có gần 20 năm đi biển và hiện làm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Châu. Những buồn vui, đắng cay của người dân ở đây ông đều nắm rõ.
Ông Hùng tâm sự: “Nếu ở biển không bám biển thì không biết làm gì sống nhưng làm biển rất nhiều rủi ro, nhất là tình trạng Trung Quốc ngày càng ngang ngược ở biển Đông như hiện nay. Nhiều người bỏ mạng, bỏ lại con cái bơ vơ, không biết nương tựa vào ai nên giúp được các cháu ở đây có sách vở đến trường, nơi học hành đàng hoàng là cả một tấm lòng trang trọng, nghĩa cử cao cả. Giúp các cháu là giúp bà con ngư dân, qua đó bà con yên tâm bám biển giữ ngư trường” - ông Hùng nói.
Nhìn ngôi trường mới, thầy giáo Trần Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Bình Châu, thở phào: “Đến giờ tôi mới thấy yên tâm. Ngày trước, tụi nhỏ học ở nơi lụp xụp, mỗi lần mưa gió là phải nghỉ. Mà ở xứ biển này gió thì biết chừng nào ngớt, mưa cũng trắng trời. Nhiều lúc các em ngồi học ướt sũng, nhìn mà thương. Bây giờ có trường mới thì khỏe rồi, bà con ngư dân cũng không còn lo lắng con em mình thiếu nơi học hành nữa”.
Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, cho rằng việc xây dựng trường học cho con em ngư dân là một giúp đỡ thiết thực to lớn đối với bà con.
“Ở Bình Châu, đa phần người dân đi biển nhiều, ít có điều kiện thường xuyên chăm sóc con cái, gia đình. Với việc xây trường học, tạo điều kiện để con em đến trường đã giúp đỡ rất nhiều cho bà con ngư dân, giúp họ yên tâm bám biển, góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc” - ông Nguyên nói.
Công trình được đầu tư 7 tỉ đồng
Ngày 9-7, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động khánh thành công trình Trường Tiểu học số 1 Bình Châu. Công trình được đầu tư 7 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại TP HCM.
Trước đó, tháng 10-2013, cũng tại Quảng Ngãi, quỹ đã tài trợ cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện đảo Lý Sơn) một tàu đánh cá trị giá 5 tỉ đồng, hiện giao cho ngư dân Bùi Văn Phải (ngụ xã An Hải) quản lý, đánh bắt. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, cho biết từ khi được bàn giao đến nay, tàu đã đi hơn 20 chuyến biển, mỗi chuyến đem lại doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí khoảng 250 triệu đồng, số còn lại chia đều cho ngư dân trên tàu.
Bình luận (0)