Sáng 13-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm bồi thường oan sai.
Chỉ mới kết luận vụ ông Chấn oan sai
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP HCM) lập tức hỏi ngay Chánh án TAND Tối cao về các vụ nghi oan sai trong thời gian qua. “Bản án tử hình với Hồ Duy Hải (tỉnh Long An) có oan không, tại sao hoãn thi hành? Cùng tội danh hiếp dâm và giết người nhưng Lê Bá Mai (tỉnh Bình Phước) chung thân, còn Hàn Đức Long (tỉnh Bắc Giang) tử hình? Án tử hình Nguyễn Văn Chưởng (TP Hải Phòng) về tội giết người cướp tài sản có thỏa đáng không khi Chưởng không tự tay giết nạn nhân? Ông Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang) liên tục có đơn nhiều năm nhưng đến khi hung thủ Lý Nguyễn Chung đầu thú, vụ án mới được xem xét tái thẩm. Vụ Huỳnh Văn Nén (tỉnh Bình Thuận) 16 năm không được xem xét, đến năm 2014 mới được giám đốc thẩm” - ĐB Đỗ Văn Đương hỏi dồn.
Trả lời, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho hay các vụ án đều diễn ra từ nhiều năm trước nên phải xem xét thận trọng, nếu oan sẽ kết luận lại và giải oan, nếu có tội thì xác định đúng căn cứ buộc tội. Ông khẳng định đến nay mới chỉ kết luận vụ án Nguyễn Thanh Chấn oan sai, các vụ còn lại đang tiếp tục làm rõ.
Về vụ án Hồ Duy Hải, tại tòa sơ thẩm, bị cáo Hải nhận tội, tự nhận không có bức cung, nhục hình nên tòa đã tuyên án. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án, cơ quan chức năng chưa phát hiện có căn cứ nào để kháng nghị mặc dù vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình thu thập điều tra. Sở dĩ hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải vì tôn trọng nguyện vọng của gia đình, cụ thể là mẹ của Hải đã xin hoãn thi hành án.
Về việc Lê Bá Mai và Hàn Đức Long có bản án khác nhau do căn cứ vào các tình tiết cụ thể của vụ án. Vụ án tử hình Nguyễn Văn Chưởng được xử theo quan điểm hậu quả đến đâu thì người cầm đầu, chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó. Ông Trương Hòa Bình khẳng định đây không phải vụ án oan.
ĐB Đỗ Văn Đương tiếp tục truy vấn về việc liệu có xảy ra bức cung, nhục hình hay còn những thiếu sót nào khác ảnh hưởng cơ bản đến quá trình điều tra 5 vụ án trên. Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương thừa nhận có xảy ra bức cung, nhục hình và đã xử lý, ví dụ như vụ án Ngô Thanh Kiều (vụ một số công an dùng nhục hình khiến nghi phạm Ngô Thanh Kiều tử vong ở tỉnh Phú Yên - PV).
“Việc có bức cung, nhục hình hay không cần xem xét toàn diện. Thời gian qua, anh em cán bộ do tư tưởng nôn nóng nên dễ dẫn tới sai phạm. Đối tượng Kiều có tiền án, tài liệu chứng minh Kiều tham gia vụ án và lẩn trốn. Do anh em nôn nóng, đối tượng không khai nên dẫn đến nhục hình” - Thượng tướng Vương phân trần.
Dân oan, trách nhiệm cao nhất là chánh án?
Trả lời bức xúc của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) khi ông Huỳnh Văn Nén hơn 15 năm ngồi tù liên tục kêu oan nhưng nếu không xảy ra vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn thì chưa được xem xét, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận trách nhiệm của VKSND và TAND Tối cao. Theo ông Bình, các cơ quan tố tụng trước đây làm việc trên nguyên tắc trọng hồ sơ, chưa xem xét các yếu tố bên ngoài nên có oan, có lọt. Hiện nay, nước ta đang thực hiện cải cách tư pháp với nguyên tắc số 1 là trọng tranh tụng nên sắp tới, ngành tòa án sẽ cố gắng khắc phục tồn tại nêu trên.
Về trách nhiệm bồi thường, ĐB Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn vì sao việc bồi thường cho ông Chấn dây dưa, kéo dài hay vụ ông Phan Văn Lá (Long An) thì công an, VKS cho rằng trách nhiệm của tòa án, còn tòa án lại cho là trách nhiệm của công an và VKS.
Theo người đứng đầu ngành tòa án, khi gia đình ông Chấn nộp các chứng từ chứng minh thiệt hại về vật chất và tinh thần thì các cơ quan chức năng sẽ giải quyết ngay. Về trường hợp của ông Lá, chánh án TAND Tối cao cho rằng nếu có sự đùn đẩy là có lỗi với dân, công an sai cần kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công an lại khẳng định trách nhiệm ở vụ này thuộc tòa án. Vì vậy, cần có cơ quan trọng tài để xác định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu giải trình về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tòa án, chánh án trước tình hình án oan, sai. Trả lời, ông Trương Hòa Bình nêu nguyên tắc mỗi cấp tòa án xét xử độc lập. Nếu gây oan sai thì thẩm phán sẽ không được tái bổ nhiệm. Nếu cố tình làm oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu vô ý thì xem xét trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chưa hài lòng với câu trả lời trên. “Án dù sai từ giai đoạn điều tra nhưng đã kết tội thì đó là trách nhiệm của tòa án. Việc làm người dân bị oan, cuối cùng đều là trách nhiệm của tòa án, người chịu trách nhiệm cao nhất là chánh án, có phải không?” - Chủ tịch Quốc hội “dấn” thêm.
Đáp lời, ông Trương Hòa Bình xác nhận việc oan sai dù do cơ quan điều tra hay VKS nhưng khi tòa đã tuyên thì trách nhiệm thuộc về tòa. Còn khi tòa chưa xử, nếu sai ở hoạt động điều tra thì công an chịu trách nhiệm, sai ở khâu truy tố là thuộc VKS. Tòa sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ nếu được kiểm soát từ đầu dù công an bắt sai, VKS truy tố sai.
Mừng vì được nói hết ý kiến của người nghèo!
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã chất vấn Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử về Chương trình 135 (chương trình hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, biên giới…). Nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng các chương trình, dự án hỗ trợ cho người nghèo còn chồng chéo, lan man, thiếu nguồn lực dẫn đến đầu tư không đạt yêu cầu, gây lãng phí.
Bộ trưởng Giàng Seo Phử bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được đăng đàn để “nói hết được ý kiến của người nghèo, đồng bào dân tộc”. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc gửi lời xin lỗi đến người dân cả nước. Theo ông Giàng Seo Phử, chính sách của nước ta theo nhiệm kỳ nên kế hoạch chưa có tính hệ thống trung hạn, dài hạn. Chính sách cho đồng bào dân tộc chỉ có 5 năm thì mất 3 năm chuẩn bị chính sách, 1 năm triển khai thì đồng bào chỉ có 1 năm thụ hưởng. Do đó cần thay đổi cách xây dựng kế hoạch. Ông Giàng Seo Phử đề nghị QH, UBTVQH ủng hộ xây dựng chương trình thành mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào vùng dân tộc khó khăn vì tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc cao và con số này có thể cao hơn khi thông qua chuẩn nghèo mới.
Bình luận (0)