Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 393 triệu euro cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải rà soát và truy trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan tới việc hàng loạt dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn thời gian qua.
Liên tiếp đội vốn
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số kinh phí bổ sung cho tuyến Nhổn - ga Hà Nội gồm vốn ODA cần bổ sung gần 304,99 triệu euro, vốn đối ứng cần bổ sung là 88,01 triệu euro. Về cơ chế tài chính trong nước, UBND TP Hà Nội vay lại 100% vốn ODA bổ sung trị giá 304,99 triệu euro, ngân sách TP tự thu xếp vốn đối ứng bổ sung cho dự án...
Trước khi điều chỉnh, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 783 triệu euro (vốn vay ODA là 653 triệu euro và vốn đối ứng 130 triệu euro), chiều dài toàn tuyến là 12,5 km, trong đó có 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Đây là dự án được khởi công từ tháng 9-2010 nhưng nhiều năm liên tục sau đó rơi vào cảnh chậm tiến độ...
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết dự án kéo dài nên phía tư vấn đã kiến nghị điều chỉnh giá trị hợp đồng và bồi hoàn số tiền lên tới vài triệu euro. Việc này khiến cơ quan chức năng phải đau đầu thẩm tra, thương thảo và điều chỉnh giá trị hợp đồng trọn gói...
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, những vấn đề nảy sinh tại dự án này cũng tương tự những dự án khác do Bộ Giao thông Vận tải quản lý thời gian qua là gặp “cảnh” đội vốn rất lớn. Cụ thể, tại Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 339 triệu USD, tuyến Nhổn - ga Hà Nội tăng thêm khoảng 492 triệu euro. Tại TP HCM, dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đã điều chỉnh tăng vốn từ 47.325 tỉ đồng lên 54.006 tỉ đồng (năm 2011, tuyến này đã điều chỉnh tăng một lần từ 14.415 tỉ đồng lên 47.325 tỉ đồng)...
Tiền của người dân chứ có phải nước lã?
Giải thích nguyên nhân, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng từ khi lập các dự án đường sắt đô thị tới lúc bắt tay triển khai đều phải kéo dài nhiều năm, ít 6-7 năm, nhiều thì hơn chục năm. Pháp luật Việt Nam quy định khi duyệt dự án phải tính tổng mức đầu tư bằng VNĐ, trong khi các dự án đều vay vốn nước ngoài với nhiều loại ngoại tệ khác nhau. Khi trượt giá ngoại tệ thì tổng mức đầu tư cũng bị đội lên. Đó là chưa kể bảng giá đất đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư thiết bị, nguyên vật liệu... liên tục tăng.
Trong khi đó, trả lời báo chí mới đây, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho rằng bước nghiên cứu khả thi do tư vấn nước ngoài lập quá sơ sài, khung tiêu chuẩn pháp lý thiếu đã khiến dự án đường sắt đô thị liên tục bị “vỡ” sau các bước triển khai thực tế. Đơn cử, tại dự án Nhổn - ga Hà Nội, ở bước lập nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư chỉ khoảng 538 triệu euro nhưng rà soát đã tăng thành 738 triệu euro và vọt lên 1,176 tỉ euro trong bước thiết kế kỹ thuật. Hơn nữa, bộ máy quản lý dự án cũng mới tiếp cận loại hình này nên còn phụ thuộc quá nhiều vào tư vấn, nhà tài trợ...
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng năng lực quản lý yếu kém nhưng nhiều bộ, ngành vẫn cố “ôm” lấy. “Ở các nước, dự án lớn thế này họ đều thuê tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp. Thuê tư vấn tốn thêm ít tiền nhưng sẽ đạt hiệu quả và không có chuyện đội giá lớn như hiện nay” - ông Liêm nhìn nhận.
Theo ông Liêm, việc đội vốn cũng có thể hiểu được và chấp thuận trong thời điểm hiện nay nhưng dứt khoát phải tính toán, xem xét kỷ luật những người quyết định đưa ra mức giá ban đầu. “Anh gây ra hậu quả đội vốn lớn như hiện nay thì phải có trách nhiệm. Tiền của người dân chứ có phải nước lã đâu mà thế nào cũng được?” - ông Liêm bức xúc nói.
7 dự án, 4 loại công nghệ
Theo một chuyên gia ngành đường sắt, cả nước hiện có 7 dự án đường sắt đô thị đang được xây dựng nhưng có tới 4 loại công nghệ với tiêu chuẩn khác nhau do Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và Pháp đưa vào. Trong tương lai, khi các dự án này đưa vào sử dụng trên địa bàn Hà Nội và
TP HCM, chắc chắn chúng ta phải bổ sung một khoản kinh phí không hề nhỏ để tích hợp, kết nối.
Bình luận (0)