Hội thảo “Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền” tổ chức sáng 10-9 đã báo động tình trạng các doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường truyền hình trả tiền vi phạm Luật Cạnh tranh ngày càng phổ biến.
Độc quyền nên giá tăng
Theo bà Trần Phương Lan - Trưởng Ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương - thị phần trên thị trường truyền hình trả tiền tập trung chủ yếu vào các DN của nhà nước và trực thuộc các đài truyền hình lớn của trung ương. Mức chênh lệch thị phần giữa DN dẫn đầu và những DN đứng kế tiếp đã có sự gia tăng đáng kể, nhất là từ năm 2012. Trên thị trường đã hình thành DN có vị trí thống lĩnh như SCTV với 40% thị phần. VTV là chủ sở hữu hoặc tham gia góp vốn vào nhiều DN có thị phần lớn, lên tới hơn 70%.
Với sự gia nhập thị trường của VNPT, Viettel và FPT, dự báo thị trường truyền hình trả tiền sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Theo các chuyên gia, khi xuất hiện thêm các nhà mạng đồng nghĩa với khả năng phá vỡ thế độc quyền, người tiêu dùng sẽ được lựa chọn mức giá dịch vụ hợp lý, cũng tương tự bài học của ngành viễn thông đã giúp giá cước điện thoại rẻ hơn. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, lo ngại sự ra đời của các nhà mạng có tiềm lực sẽ khiến thị trường bị phá giá. Cùng quan điểm, ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng Giám đốc SCTV, đề xuất: “Cục Quản lý cạnh tranh nên có quy định về giá trần, giá sàn cụ thể; ngay cả khuyến mại, giảm giá cũng nằm trong mức đó. Nếu không thì khó tránh khỏi hình thức bù chéo”.
Cam kết 10, cung cấp 3
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), dẫn chứng trường hợp một hộ gia đình ở quận Tây Hồ, Hà Nội khiếu nại qua VINASTAS việc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC công bố phát 10 kênh HD nhưng khi phát sóng thực tế chỉ có 3, 4 kênh mà vẫn thu đủ tiền thuê bao hằng tháng. Ngoài ra, nhiều trường hợp bán đầu thu cho người tiêu dùng để thu các kênh do đài mình phát nhưng vì những lý do hành chính lại đột ngột dừng tín hiệu, không một lời giải thích… Đó đều là những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Hàng hóa - thông tin cung cấp cho người tiêu dùng phải trung thực, đầy đủ, chính xác, an toàn và không xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, có tình trạng nhiều khiếu nại liên quan đến hoạt động bán hàng lừa đảo. Các nội dung lừa đảo của doanh nghiệp bán hàng tập trung vào các nội dung: quảng cáo thổi phồng chất lượng, tính năng, công dụng của hàng hóa; bán hàng không nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, kể cả khi người tiêu dùng yêu cầu; không nhận lại sản phẩm khi phát hiện sản phẩm không như quảng cáo công bố; lẩn trốn khi có khiếu nại; không cung cấp thông tin địa chỉ, luôn thay đổi địa chỉ trên trang mạng của đơn vị bán hàng để ngăn người tiêu dùng tiếp cận DN…
|
Bình luận (0)