Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ngày 15-11, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng thuận với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về việc nâng mức khởi điểm chịu thuế TNCN từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng và người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/người/tháng lên 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Áp dụng sớm sẽ ảnh hưởng ngân sách
Đồng tình, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), Chu Đức Quang (Lạng Sơn) cùng nhiều ĐB khác đề nghị QH ủng hộ việc áp dụng luật thuế này từ 1-1-2013.
ĐB Trần Thanh Hải còn đề nghị bổ sung một số quy định có ý nghĩa đối với người làm công ăn lương như không tính thuế đối với phụ cấp cho công việc nặng nhọc, độc hại; trợ cấp một lần đối với đối tượng hưu trí. “Đặc biệt, dự luật cần miễn thuế cho các trường hợp có người phụ thuộc, bản thân bị bệnh hiểm nghèo để giúp họ vượt qua khó khăn” - ông Hải đề xuất. Ông Hải cũng đề nghị điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng mức thuế suất cao nhất là 30% và thực hiện dãn khoảng cách giữa các mức thuế để thu hút những chuyên gia lao động kỹ thuật cao của các nước đến làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐB nên cho áp dụng luật vào ngày 1-7-2013 vì nếu áp dụng từ ngày 1-1-2013 sẽ mất thêm khoảng 4.000-5.000 tỉ đồng, ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Cần quy định từ chức trong Hiến pháp
Thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào chiều cùng ngày, hầu hết ý kiến ĐB tán thành việc Hiến pháp bổ sung vấn đề kiểm soát giữa các nhánh quyền lực song cần làm rõ nội hàm. Đáng chú ý, có ý kiến đề xuất phải quy định vấn đề từ chức trong Hiến pháp. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề xuất: “Hiện QH đang bàn đề án bỏ phiếu tín nhiệm. Các chức danh nếu không đạt tín nhiệm thì sẽ phải từ chức. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Hiến pháp quy định về vấn đề từ chức”.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng Hiến pháp cần làm rõ vai trò của Chủ tịch nước trong thống lĩnh lực lượng vũ trang và điều hòa phối hợp hoạt động với các cơ quan lập pháp, hành pháp. Theo ông Tiến, quy định hiện hành chưa rõ vai trò của Chủ tịch nước trong giám sát các chức danh do Chủ tịch nước giới thiệu và QH bầu, phê chuẩn.
ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi nêu Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang, đồng thời là chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh nhưng nội hàm lại chưa được giải thích rõ. Vị Tư lệnh Quân khu 1 phân tích: Trên thực tế, Đảng lãnh đạo quân đội về mọi mặt, trong đó Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương, còn Chủ tịch nước giữ một vai trò khác. “Vậy vai trò của Chủ tịch nước với lực lượng vũ trang là gì? Phải chăng là vấn đề tổ chức chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” - ông Trường nêu vấn đề.
Hôm nay (16-11), QH dành cả ngày tiếp tục thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Tiết giảm 10% chi thường xuyên để tăng lương Ngày 15-11, QH đã thông qua các dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm. Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách Trung ương là 519.836 tỉ đồng; tổng thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỉ đồng; tổng chi cân đối ngân sách Trung ương là 681.836 tỉ đồng. Tại nghị quyết này, QH yêu cầu các bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương sử dụng khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tăng nguồn cải cách tiền lương năm 2013. Nghị quyết cũng nêu rõ kinh phí hỗ trợ cho một số tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia được hỗ trợ 1.600 tỉ đồng để đầu tư phát triển các dự án dầu khí theo quy định của pháp luật; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 238 tỉ đồng để đưa điện về thôn, bản, đồng bào dân tộc nghèo; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 25,2 tỉ đồng nhằm thực hiện dịch vụ viễn thông công ích; Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 1.824,5 tỉ đồng và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam 17 tỉ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, đặt hàng. |
Bình luận (0)