Phóng viên: Vì sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định từ 31-3 sẽ kết thúc việc lưu hành ngân phiếu (NP), thưa ông?
- Ông Trần Ngọc Minh: Thời gian qua, NP đã góp phần tích cực trong vận chuyển tiền mặt vì mệnh giá lớn và tiện lợi khi sử dụng, nhưng dù sao đây cũng chỉ là một dạng tiền mặt. Hơn nữa, lượng NP được sử dụng trong thời gian qua tại TPHCM cũng nhỏ, chỉ chiếm khoảng 8,6% trên tổng doanh số tiền mặt lưu hành. Trong khi, tiến tới hội nhập, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã và đang đổi mới công nghệ, dịch vụ (trang bị máy rút tiền tự động ATM, nối mạng các chi nhánh để khách hàng có thể gởi tiền một nơi rút tiền ở nhiều nơi khác... theo hướng bớt dùng tiền mặt mà chuyển sang các dạng thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng NHNN đang triển khai thanh toán điện tử liên ngân hàng, việc thanh toán từ tỉnh này sang tỉnh khác chỉ mất vài giây. Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng là việc in ấn phát hành NP thanh toán rất tốn kém. Vì những lý do trên, NHNN quyết định ngưng phát hành dạng NP thanh toán, để kích thích các hình thức thanh toán khác, như bằng thẻ điện tử, bằng séc...
Tuy nhiên, hiện nay dạng thanh toán bằng séc tại TPHCM và cả nước chưa được phổ biến lắm?
- Đúng là dạng thanh toán bằng séc hiện rất hạn chế. Cả năm 2001, thanh toán không dùng tiền mặt tăng khoảng 4,9% so với năm 2000 và chiếm khoảng 79% trong tổng nhu cầu thanh toán, nhưng thanh toán bằng séc chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt. Hầu hết các dạng thanh toán không dùng bằng tiền đều là hình thức ủy nhiệm chi (khoảng 75% trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt).
Với việc ngưng phát hành NP, có thể trong thời gian ngắn từ sau 31-3 trở đi, nhu cầu sử dụng tiền mặt sẽ cao hơn, NHNN đã có những chuẩn bị như thế nào cho việc này?
- Chúng tôi dự kiến còn khoảng 1.000 tỉ đồng trị giá NP cần chuyển đổi nên đã chuẩn bị một lượng tiền mặt nhất định với mệnh giá lớn (tiện lợi cho dân khi vận chuyển) để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho lưu thông tiền tệ tại TP. Theo đánh giá của tôi, nhu cầu tiền mặt tại TPHCM vào thời điểm này đang rất cao. Có mấy lý do: Vì giá vàng cao, người dân có nhu cầu cần tiền mặt để mua vàng; thứ hai là đột biến về bất động sản nên có thêm nhiều người kinh doanh bất động sản; thứ ba là kiều hối tăng (tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm 2001); thứ tư là NP ít đi do không phát hành tiếp.
Như vậy, liệu có xảy ra tình trạng khan hiếm tiền mặt trong thời gian tới?
- Tôi khẳng định là không bao giờ có tình trạng khan hiếm tiền mặt. Chúng tôi đã dự liệu và chuẩn bị đầy đủ lượng tiền mặt cần thiết.
Đối với những người thanh toán NP trễ hạn sau 31-3 thì giải quyết như thế nào?
- Vẫn áp dụng hình thức phạt trễ hạn thanh toán như từ trước đến nay. Cụ thể: Trễ hạn từ 1-15 ngày, mức phạt là 0,5% trên tổng số tiền thanh toán. Tương tự, trễ hạn đến 1 tháng, phạt 1%; trễ hạn đến 2 tháng, phạt 1,5%; trễ hạn đến 3 tháng, phạt 2%; trễ hạn từ 3-6 tháng, phạt 3%; trễ hạn từ 6-12 tháng, phạt 4%; trễ hạn trên 12 tháng, phạt 5%.
Trở lại vấn đề khuyến khích thanh toán bằng séc, nhưng bao giờ thì ngành ngân hàng triển khai rộng rãi loại hình này?
- TP hiện đang tiến hành đề án phát triển dịch vụ tài chánh ngân hàng từ nay đến 2005. Trong đó, đặc biệt chú trọng cải tiến và bổ sung loại hình thanh toán không dùng tiền mặt và chú ý nhiều đến dạng thanh toán bằng séc. Các ngân hàng thương mại cũng có triển khai riêng lẻ chương trình này. Do vậy, trong năm 2002, sẽ triển khai rộng rãi loại hình này.
Xin cám ơn ông.
Bình luận (0)