Thấm thoắt đã 6 năm kể từ ngày GS - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ qua đời. Đành rằng sinh - tử là lẽ thường, đành rằng chỗ trống mà GS để lại sớm muộn cũng sẽ có những người tài của thế hệ trẻ thay thế, thậm chí vượt qua, nhưng trước cảnh sinh ly tử biệt vẫn không thể không ngậm ngùi luyến tiếc.
Cần mẫn đến kỳ lạ
Không cùng một đơn vị công tác (GS Lê Đình Kỵ - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi - Trường ĐH Sư phạm) nhưng may mắn khá gần gũi, hiểu biết anh - xin phép được xưng hô thân mật như khi GS còn tại thế - đúng 50 năm, giờ đây, trong tôi vẫn tươi nguyên những kỷ niệm tốt đẹp về anh.

Trước hết, anh nêu tấm gương sáng về nghị lực tự học, vượt khó để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo không có truyền thống chữ nghĩa ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cha mẹ chỉ đủ sức để nuôi anh học hết bậc tiểu học ở quê. Ngay từ thuở niên thiếu, anh đã tìm nhiều cách kiếm sống để học xong THPT. Chưa thỏa mãn, anh học tiếp chuyên khoa và đỗ tú tài phần thứ nhất ở Huế.
Muốn có bằng tú tài toàn phần, anh phải lặn lội vào Sài Gòn, cố gắng bươn chải để tiếp tục học và thi ở Trường Pétrus Ký. Mảnh bằng tú tài triết học loại ưu ấy, anh đã phải đổi bằng rất nhiều mồ hôi, công sức. Từ đó, anh gắn bó với nghề dạy học, bắt đầu bằng việc dạy bình dân học vụ ở quê nhà.
Anh tham gia Cách mạng Tháng Tám, làm công tác tuyên truyền ở Hội An (1945-1948), vào bộ đội với trọng trách một sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn (1949-1951) - công việc khá lạ lẫm với một thầy giáo hiền lành, rồi từ năm 1952 trở đi được trở về môi trường giáo dục mà anh ưa thích. Khi giảng dạy ở Trường Trung học Lê Khiết nổi tiếng của Liên khu V (1952-1954) cũng như khi tập kết ra Bắc lên lớp ở Trường Nguyễn Trãi - một trường lớn của Hà Nội (1955-1958), anh luôn luôn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người thầy nhưng đồng thời không bao giờ buông lơi việc tự học.
Lê Đình Kỵ đã tự học tiếng Nga và sử dụng công cụ ngôn ngữ này vào việc nghiên cứu cũng tinh thạo như tiếng Pháp mà anh được học từ lớp đồng ấu đến bậc tú tài. Anh đã tự xây dựng cho mình một chương trình đọc sách trong từng năm rất nặng, để tạo cho mình một vốn văn hóa - chứ không chỉ văn học - rộng và sâu. Vì thế, năm 1958, khi được điều về giảng dạy tại Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, anh đã có thể sớm đáp ứng yêu cầu lên lớp ở bậc học cao này một cách vững vàng. Thực tế, trong suốt 35 năm đứng trên bục giảng các trường ĐH Hà Nội cũng như Cần Thơ, Sài Gòn, anh luôn là một trong vài chuyên gia hàng đầu của cả nước trong chuyên ngành lý luận văn học.
Nghĩ đến GS Lê Đình Kỵ, tôi luôn ấn tượng về một người lao động khoa học cần mẫn đến kỳ lạ. Không kể đến việc đào tạo sinh viên và hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ, anh đã lần lượt cho công bố 16 công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học và cho đăng hàng trăm bài viết trên các báo, tạp chí.
Chưa hề bực bội, nóng giận
Nhớ về anh, tôi luôn hình dung ra một con người điềm đạm, giản dị. Anh ít nói, rất ít nói, kể cả lúc giảng bài cũng như trong hội thảo. Khi họp hành, tôi có cảm giác như anh đang mải nghĩ đến một vấn đề gì đó đang nghĩ dở. Nếu được mời thì anh mới phát biểu. Cách nói của anh “nhát gừng”, không hùng biện nhưng thường có chiều sâu. Vì vậy, chỉ sinh viên giỏi mới thực sự thu nhận được những điều anh trình bày. Lê Đình Kỵ ra về lặng lẽ như lúc đến, bằng con ngựa sắt cũ kỹ đáng đưa vào bảo tàng đồ cổ.
Chưa bao giờ tôi thấy Lê Đình Kỵ bực bội, nóng giận, mất bình tĩnh, kể cả lúc gặp khó khăn. Khổ thế đấy, hiền lành như anh mà cũng hơn một lần suýt nguy. Chẳng hạn, cuốn “Các phương pháp nghệ thuật” (1963) của Lê Đình Kỵ là một giáo trình ĐH có chất lượng cao nhưng chính vì trình bày tuy đã rào đón về “vấn đề nhân tính” quá mới mẻ và có vẻ “khó nghe” với những ai chỉ quen nói đến giai cấp tính nên anh đã mắc tai bay vạ gió.
GS Hoàng Hữu Yên - nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Khoa Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội hồi ấy - cho biết một số giảng viên có tên tuổi của khoa đã lớn tiếng phê phán, đòi xóa bỏ giáo trình do Lê Đình Kỵ biên soạn với lý do nó mơ hồ về lập trường giai cấp. Thậm chí, có người còn yêu cầu ban chủ nhiệm khoa bắt anh phải ra xin lỗi trước các khóa sinh viên! Tất nhiên, đòi hỏi quá trớn này (chữ của GS Yên) không được đáp ứng.
Về sinh hoạt, trong giáo giới - rộng ra là trong giới trí thức, có lẽ ít ai giản dị như anh - giản dị đến mức hơi luộm thuộm. Hỏi tại sao không chú ý đến hình thức (chải đầu, ủi quần áo, đánh giày...), anh chỉ cười. Một số lần ra Hà Nội, ở chung phòng khách sạn với Lê Đình Kỵ trong các kỳ đại hội nhà văn hoặc duyệt sách giáo khoa, tôi càng ngạc nhiên hơn: anh hình như không để ý gì đến chuyện ăn uống. Ăn gì cũng được, không khen chê, không đòi hỏi. Gặng mãi, anh cho biết: “Với mình, thế nào cũng xong. Mình quen nếp sống ấy từ thuở bé rồi”.
Bằng lối sống giản dị có lúc đến giản đơn ấy, Lê Đình Kỵ luôn dễ hòa vào đám đông. Ít ai chú ý đến anh và ngược lại, anh hình như cũng chẳng đặt vấn đề phải chú ý đến sự đời phiền toái. Hầu như toàn bộ thời gian anh dành cho việc đọc, nghĩ và viết.
Chính vì thế, giờ đây, tuy đã đi xa nhưng anh vẫn như luôn gần gũi với đồng nghiệp, với học trò, qua những trang giáo trình đầy trách nhiệm, những công trình nghiên cứu sâu sắc và những bài phê bình thơ tinh tế, giàu sức thuyết phục.
Bị dựng chuyện, vu oan
Hồi năm 1982-1983, khi nhà nước bắt đầu xét phong GS-PGS cho các cán bộ khoa học, Lê Đình Kỵ lại bị một số người xấu dựng chuyện, vu cho anh những điều phi lý. May mà Lê Đình Kỵ được minh oan và năm 1984, anh được phong GS.
Bình luận (0)