Câu chuyện thương tâm của cô gái tên Huỳnh Mai (lấy chồng người Hàn Quốc, chưa tròn bốn tháng sau khi theo chồng về Hàn Quốc, đã bị chồng đánh đập dã man đến chết) trước hết làm cho bất cứ ai có lương tâm đều phải phẫn nộ trước dã tâm của người chồng. Câu chuyện còn nhắc nhở rằng tuy kinh tế nước ta đang phát triển khả quan trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn nhiều người dân đang sống trong nghèo khó, có khi đến tuyệt vọng. Điều đó dễ thấy nhất ở một bộ phận nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày nay.
“Thừa gạo, ít chữ”?
Quê quán của Huỳnh Mai ở xã Ngọc Chúc (thuộc huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang), một xã nổi tiếng kiên trung với cách mạng trong thời chiến tranh, nhưng nay là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh, và có lẽ một trong những xã nghèo nhất của cả nước. Hãy nghe phóng viên mô tả về cái nghèo của gia đình Huỳnh Mai: “Nhà chẳng có cục đất chọi chim. Cuộc sống hằng ngày của gia đình phải nhờ vào sức lao động của người cha khi có ai đó đến mướn cắt lúa, bón phân. Cái nghèo dai dẳng đã khiến Huỳnh Mai bỏ học sớm, xuống tận Bạc Liêu làm công nhân thủy sản từ năm 15 tuổi”. Không có đất, làm mướn và bỏ học sớm gần như là những dấu ấn kinh điển của một số không nhỏ nông dân vùng ĐBSCL.
Trong một nghiên cứu khoa học gần đây về tình hình nông thôn VN, một nhóm kinh tế gia Úc ước tính rằng có khoảng 19% dân số (tức khoảng 9 triệu người) ở nông thôn VN được xếp vào nhóm “vulnerable” (nghèo khó). Các đặc điểm chính của nhóm này là không có đất canh tác, trình độ học vấn thấp, thu nhập thấp, cao tuổi hay mắc bệnh mãn tính, và trẻ mồ côi hay tàn tật không có khả năng lao động.
Khi nói đến vùng ĐBSCL, người ta hay nói đến vùng đất “thừa gạo, ít chữ”. Nhưng ấn tượng đó có lẽ không đúng với thực tế, bởi vì vùng đất này chẳng những thiếu gạo mà còn ít chữ. Vài năm trước, một nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ cho thấy khoảng 60% dân số trong vùng thiếu ăn từ 4 đến 6 tháng; hơn một phần tư dân số vẫn còn ở nhà tranh vách lá.
Còn về sự học, những con số thống kê cũng mô tả một tình hình không mấy sáng sủa. Tuy dân số vùng ĐBSCL chiếm 1/4 dân số cả nước, nhưng số người mù chữ ở vùng (45.000 người) chiếm gần 40% số người mù chữ của cả nước! Ngoài ra, số lượng học sinh đến trường thấp nhất nước; tỉ lệ bỏ học cao nhất nước; tỉ lệ dân số có trình độ đại học thấp nhất nước. Một giáo sư người Mỹ nhận xét rằng giáo dục vùng ĐBSCL là một nạn nhân khác của chiến tranh. Nhưng chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm rồi, mà tình hình vẫn chưa có gì đổi thay tích cực cho tương xứng với tầm vóc kinh tế của vùng.
Kinh tế phát triển nhanh, dân vẫn nghèo
Tình trạng nghèo khó trên đây rất tương phản với những con số thống kê về tốc độ phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. Theo thống kê năm 2006, GDP của toàn vùng tăng 10,3% (tức cao hơn trung bình của cả nước là 7,4%), với những tỉnh có tốc độ tăng nhanh như Cần Thơ (14,7%), Trà Vinh (13,9%), Đồng Tháp (11,3%), Vĩnh Long (10,8%), Cà Mau (~11%), Kiên Giang và An Giang (~10%).
Với những thành tựu như thế, đáng lẽ người dân ĐBSCL phải có một cuộc sống sung túc, nhưng trong thực tế thì gần như ngược lại. Tính trên diện tích, ĐBSCL chỉ chiếm 12% diện tích của cả nước, nhưng 50% sản lượng lúa, 60% lượng trái cây và 65% sản lượng hải sản của VN xuất phát từ ĐBSCL. Hơn thế nữa, 90% lượng gạo xuất khẩu là do đóng góp từ nông dân vùng ĐBSCL. Xuất khẩu gạo đem về cho ngân sách Việt Nam hơn 1 tỉ USD hằng năm. Thế nhưng trớ trêu thay, chỉ có 15% số tiền này là đến tay nông dân, một số lớn (45%) lại nằm trong tay các công ty quốc doanh hay các công ty trung gian buôn bán.
Bệnh viện trong vùng ĐBSCL lúc nào cũng quá tải. “Quá tải” ở đây phải hiểu là có nhiều bệnh nhân hơn số giường, cho nên hầu như khoa nào của bệnh viện cũng có bệnh nhân nằm ngoài hành lang; bất cứ phòng nào cũng có tình trạng hai bệnh nhân phải nằm chung một giường! Tình trạng y tế ở nước ta có thể tóm lược qua phát biểu của bà cựu bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến: “Có những bệnh viện không mổ được một ca ruột thừa... Tôi đã thiết tha nhiều lần đề nghị đầu tư cho ngành y tế. Phải có kinh phí, nếu không Quốc hội hỏi tôi, chất vấn thế này, tôi không làm sao giải thích được”. Quả đúng như thế, đầu tư cho y tế ở nước ta còn quá thấp và cũng chẳng tăng trong mấy năm gần đây. Hiện nay, chi tiêu của Nhà nước cho y tế chỉ chiếm 6,1% tổng số chi tiêu của Nhà nước. Tỉ lệ này thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchia (16%), Lào (khoảng 7%), Malaysia (6,5%), Trung Quốc (10%) và Nhật Bản (16,4%).
Có quá đáng không nếu nói vùng ĐBSCL đã bị bỏ quên trong một thời gian dài (vì có người cho rằng đây là vùng đất giàu có). Và, hệ quả là có đến gần 1/5 dân số trong vùng sống trong tình trạng nghèo khó triền miên. Trong số đó, có không ít gia đình nghèo đến nỗi thiếu gạo ăn, không dám đi bệnh viện mỗi khi mắc bệnh và phải cho con nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Tình cảnh đó đã dẫn đến một hiện tượng xã hội chưa từng có trong lịch sử nước ta, đó là có hàng trăm ngàn cô gái VN liều mình đi làm dâu cho người ngoại quốc như hiện nay, để có khi phải trả một cái giá quá đắt như trường hợp bi thảm của Huỳnh Mai.
260 km, 7 giờ chạy ô tô! Chẳng những trong y tế và giáo dục mà giao thông trong vùng ĐBSCL cũng là một lĩnh vực cần đầu tư ngay từ bây giờ. Đầu tư cho hạ tầng cơ sở ở vùng ĐBSCL vẫn chưa thấy đem lại hiệu quả hiển nhiên. Cụ thể như Quốc lộ 1A từ TPHCM về các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn chưa có cải tiến gì đáng kể. Sau hơn 30 năm thống nhất đất nước, trong khi các tỉnh ngoài Bắc và Trung đã có những quốc lộ đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì ngược lại con đường về ĐBSCL chẳng khác gì so với 30 năm về trước. Nhiều đoạn xuống cấp hết sức nghiêm trọng. Có nhiều đoạn đường chỉ có thể chạy 30 - 40 km/giờ. Theo đánh giá của một quan chức trong ngành giao thông, “hệ thống đường trên nhiều quốc lộ, tỉnh lộ tại ĐBSCL hiện có chất lượng dưới trung bình”. Thành ra, không ai ngạc nhiên mỗi khi có lũ lụt thì có đến 1.200 km rất khó đi lại, hoặc có nơi, không đi lại được. Con đường từ TPHCM đến Kiên Giang chỉ 260 km mà tốn đến 6 hay 7 giờ đi xe! |
Bình luận (0)