xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ “đêm hôm ấy” đến ngày hôm nay

Nguyễn Khắc Phê

Những ngày này, nhìn tín hiệu báo Xuân mới từ cây mai trước sân, tôi bỗng nhớ đến bài ký Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc (đăng Báo Văn Nghệ vào năm 1987) - một tác phẩm nhỏ nhưng có tác dụng như một ngòi nổ, có thể coi như mở đầu thời kỳ “Đổi Mới” trong hoạt động báo chí - văn nghệ. Hơn thế, bài ký khẳng định nhu cầu đổi mới mọi mặt cuộc sống là không thể trì hoãn, không thể đảo ngược.

Vào giai đoạn Cái đêm hôm ấy..., tôi đang làm phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, cũng hăng hái nhập cuộc “Đổi mới”, mấy lần bị “thổi còi” nên quen biết hầu hết những người phụ trách các báo Văn Nghệ, Tiền Phong, Lao Động... Nói cho công bằng, vào cùng thời, ngoài Báo Văn Nghệ còn có nhiều bài khác được dư luận quan tâm.

Mới đây, nhà văn Ngọc Trai - một “Tôn Nữ” Huế gốc, từng là trưởng ban bạn đọc rồi phó tổng biên tập Báo Văn Nghệ thời đó - tặng tôi cuốn tuyển tập lý luận phê bình của chị (NXB Hội Nhà văn, 2015); trong đó, nhà thơ Đỗ Bạch Mai, cùng công tác ở Báo Văn Nghệ khi ấy, đã ghi lại không khí tòa soạn trong những ngày Đổi mới như sau:

“... Hàng loạt những bài bút ký in trên tuần Báo Văn Nghệ của Phùng Gia Lộc (Cái đêm hôm ấy đêm gì), của Minh Chuyên (Thủ tục làm người còn sống), của Trần Huy Quang (Vua lốp), của Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu)... đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo bạn đọc… Với cương vị Trưởng Ban Bạn đọc, chị Ngọc Trai phải đi đây đi đó, lúc thì ở Thái Bình, lúc thì ở Thanh Hóa để bảo vệ cho Phùng Gia Lộc và Minh Chuyên không bị chính quyền sở tại làm phiền toái...”.

 

img

 

Cũng không nên quên trước Cái đêm hôm ấy... của Phùng Gia Lộc, Báo Tiền Phong ngày 26-3-1986 đã đăng bài thơ Mùa xuân nhớ Bác của cô nữ sinh văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội Phạm Thị Xuân Khải, trong đó có đoạn: “... Đồng chí không bằng đồng tiền/ Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp/ Có ai thấu chăng/ Và ai phải sửa?/ Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác/ Lòng vẫn thầm mơ ước/ Trừ những thói đời làm dân oán trách/ Có mắt giả mù, có tai giả điếc/ Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung/ Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ/ Cùng chí hướng sao bày mưu chia rẽ/ Tham quyền cố vị, sợ trẻ hơn già...”.

Bài thơ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt nhưng đồng thời tạo nên sự phản ứng dữ dội từ nhiều cấp. Và mặc dù tác giả viết bài thơ với phụ đề “Kính tặng đồng chí Lê Đức Thọ (một nhân vật có quyền lực nhất nhì thời đó), tác giả bài thơ Lẽ sống và chính thư ký của ông Lê Đức Thọ trực tiếp chuyển cho Báo Tiền Phong, vậy mà Ban Bí thư Trung ương Đoàn và ban biên tập báo vẫn còn “chịu sự phê phán, sức ép của nhiều bí thư Tỉnh ủy, một số lãnh đạo Đảng và nhà nước” (Hồi ức của Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Báo Tiền Phong, ngày 14-3-2006).

Tròn 30 năm đã qua từ những tháng ngày sôi nổi ấy, hễ có dịp là nhiều tờ báo, nhiều trang mạng lại gợi nhắc để thấy nhu cầu đổi mới vẫn đang là tiếng gọi của cuộc sống, vì sức ì của cơ chế cũ luôn tạo ra những lực cản bước tiến của thời đại mới.

Đây là điều không ai có thể phủ nhận được, là “bài học” luôn được nhắc lại trong những năm qua. Mới đây, nhà thơ - nhà báo Nguyễn Sĩ Đại, trong dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã có bài đăng trên Báo Nhân Dân cuối tuần (21-6-2013), nhắc lại bài thơ của Xuân Khải và các bài ký nói trên. Sau khi thuật lại những oan ức của ông “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn, tác giả kể lại một kỷ niệm xúc động với Phùng Gia Lộc:

“...Vào một buổi tối năm 1987, tôi gặp anh Phùng Gia Lộc tại Hà Nội cùng anh Lã Hoan và Đỗ Xuân Thanh. “Ông Lộc đi trốn đấy, không thể ở Thanh Hóa được nữa rồi!”. Còn anh Lộc vừa đau khổ vừa mãn nguyện. Anh nói đăng được Cái đêm hôm ấy đêm gì có chết cũng cam lòng!...

Việc thật ở nhà tôi đêm 26-11-1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: “Cái đêm hôm ấy... đêm gì?”. Anh từng kể về chuyện thu sản và nạn cường hào mới ở nông thôn như thế và sau này, anh viết trong bài của mình cũng như thế. Thu sản mà phải bí mật với dân, 12 giờ đêm mới đồng loạt ra quân; thu sạch xe đạp, bàn ghế, giường tủ. Nhà anh mẹ già, ốm yếu, chị cò Lộc làm không đủ ăn lại còn phải tích cóp từng chút cho “hậu sự” của mẹ chồng.

Năm 1983, Thanh Hóa nói chung và Thọ Xuân của anh Lộc bị lụt nặng. Dân mò vớt từng bông lúa dưới nước, ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra nộp sản! Mấy chị em thương mẹ, lo xa, dành thóc cho vào áo quan của mẹ để làm bữa cơm cho làng sau này cũng bị cạy nắp lấy hết... Viết được cái truyện có tiếng vang nhưng anh Lộc không dám về Thanh nữa; nương nhờ ở nhà của nhà thơ Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai và một số anh em khác, ít lâu sau thì mất...”.

***

Năm 1994, có dịp đi qua Thọ Xuân (Thanh Hóa), quê hương của bạn văn yểu mệnh họ Phùng, tôi lặng nhìn ra cánh đồng lúa ngậm đòng hớn hở đón mưa và chợt nghĩ: “Giá như Phùng Gia Lộc được viết bài ký ấy sớm hơn... Giá như anh còn sống đến hôm nay để cùng chia vui với bà con nông dân bên những bồ lúa tràn đầy”. Cuộc sống không có chỗ cho 2 chữ “giá như” nhưng mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn mong như thế...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo