Quyết trở thành thợ giỏi
Trong bộ quần áo bảo hộ lao động đã bạc màu lấm lem bùn đất, dầu mỡ, Dũng giục anh em nối dây mồi, rồi “đề pa” máy thổi, bắn cáp mồi qua đầu hầm bên kia... “Lên” cáp trên cột không cẩn thận thì bị điện giật; thi công mạng cáp ngầm thì phải ngâm mình trong nước cống; làm việc trong môi trường khói bụi, nắng nóng, và đầy tiếng ồn... là chuyện thường ngày. Có thể nói, Dũng và đồng nghiệp thường xuyên đối mặt với bệnh nghề nghiệp và tai nạn. Có lần, trong lúc đang thi công tuyến cáp ngầm ở quận 3, một anh trong đội bị xe gắn máy đụng, phải khiêng anh rớt luôn xuống cống. Cũng may, anh nhanh tay chụp được chiếc thang tre đang dựng ở dưới cống nên chỉ bị thương nhẹ. Từ hôm ấy, mỗi lần thi công trên những giao lộ nhiều xe qua lại, Dũng và anh em thay phiên nhau làm “cảnh sát giao thông” điều tiết luồng xe để tránh gây kẹt xe và tai nạn. Tám năm trong nghề là 8 năm Dũng và đồng nghiệp trải qua nỗi vất vả, nguy hiểm như thế.
Tốt nghiệp cấp 3, thi đậu vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP, nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép Dũng thực hiện mong ước này. Với nhiều người, vào đại học mới là con đường khởi sự tốt đẹp. Nhưng đối với Dũng, cánh cổng giảng đường đại học tương lai không hề khép lại. Ý nghĩ ấy đã khiến anh yên lòng hơn khi tập trung sức lực, lao vào làm đủ nghề, từ bỏ mối hàng đến sửa chữa điện tử để phụ giúp gia đình, nuôi em ăn học. Dũng tâm sự: “Không thành thầy thì thành thợ cũng tốt. Nhưng đã làm thợ thì phải cho ra thợ”.
Năm 1996, khi trở thành công nhân Công ty Công trình Bưu điện, nhờ sự giúp đỡ, kèm cặp tận tình của đồng nghiệp đi trước, Dũng đã nhanh chóng bắt kịp công việc, hòa nhập và phối hợp tốt với anh em trong đội. Từ thao tác kỹ thuật, thả dây mồi, kéo cáp cho đến việc đọc bảng thiết kế thi công... anh đều chú ý quan sát mọi người để học hỏi. Anh Trần Văn Hoàng, tổ trưởng của Dũng hồi ấy, cho biết: “Điều gì chưa hiểu, Dũng theo hỏi đến cùng, khi nào biết rõ mới thôi. Nhờ biết sắp xếp và có ý thức trong công việc, Dũng làm việc gì chắc việc đó, tạo được sự tin tưởng ở mọi người”.
Hạt nhân của phong trào
Lòng tin của mọi người đã khiến Dũng mạnh dạn và tự tin hơn trong công việc. Khi kinh nghiệm dần được tích lũy theo thời gian cũng là lúc anh được tin tưởng, giao cho kèm cặp đồng nghiệp mới và giữ “chức” tổ trưởng tổ cáp của công ty. Anh Nguyễn Quang Huy, phụ trách công trình thanh niên, cho biết: “Dũng không hổ danh là một trong những hạt nhân tích cực của phong trào thi đua lao động giỏi của đơn vị. Sẵn sàng tham gia những công trình khó, Dũng còn vận động anh em vượt khó, nhận những công trình điểm để thi công”. Những công trình lớn, như: ngầm hóa hệ thống cáp trên các tuyến đường trung tâm quận 1 (công trình điểm của TP); cáp quang đấu nối hiệu chỉnh tuyến cáp giữa các trung tâm thi đấu phục vụ SEA Games 22... đều do tổ của Dũng xung phong đảm nhận và luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch.
Anh Võ Thành Nại, đội trưởng đội cáp, nói: “Ai đó cho rằng chỉ cần 40% sự chăm chỉ, 40% lòng nhiệt tình và 20% khả năng “trời phú” là thành công. “Vận” vào Dũng, tôi thấy đúng như vậy”. Từ một “tay ngang”, đến nay, anh đã là công nhân bậc
4/7, đạt danh hiệu lao động giỏi nhiều năm liền và trở thành đối tượng Đảng của đơn vị. Năm 2004, Dũng được Bưu điện TP biểu dương là Thanh niên công nhân tiên tiến.
Bình luận (0)