Từ lâu, nhiều gia đình vùng biên giới Campuchia luôn sử dụng gạo Thái Lan để gói bánh, nấu chè cúng giỗ hoặc mua gạo thơm Thái Lan về nấu cơm đãi khách. Hồi năm 2000, khi về làm hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cô quản lý bếp ăn nhà khách có lần rụt rè hỏi tôi: “Thưa thầy, em mua gạo Thái về nấu ăn nhé, gạo Thái rất ngon mà giá thì bằng gạo mình”. Những chuyến sang Lào công tác, nhiều lần tôi nghe dân sở tại nói rất tự nhiên rằng hết gạo thì lội qua sông Mê Kông mua... gạo Thái, ngon lắm!
Điểm mạnh của gạo Thái vào VN là chất lượng cao, trong khi giá bán không đắt hơn gạo nội địa là bao. Chúng ta cần biết rằng việc sản xuất gạo Thái và gạo Việt có nhiều khác biệt. Gạo Thái luôn luôn rặt giống vì hơn 80% tổng diện tích 10 triệu ha lúa của nước này chỉ trồng 3-4 giống lúa mùa thơm ngon, trong đó giống cơ bản nhất là Khao Dawk
Những giống lúa mùa dài ngày này được trồng từ tháng 5 đến tháng 8, đến tháng 10 bắt đầu thu hoạch, năng suất đạt khoảng 2,3 - 3,5 tấn/ha, rất thơm và ngon. Trong khi đó, lúa của VN trồng trên tổng diện tích (cả nước) khoảng 4 triệu ha với hàng trăm giống lúa khác nhau. Từ hàng trăm năm nay, ĐBSCL đã có giống thơm ngon như Nàng Thơm Chợ Đào là giống lúa trung mùa (trồng vào khoảng 5 tháng), thu hoạch vào tháng 12, năng suất tối đa 3,5 tấn/ha; hoặc như giống lúa Tám Thơm ở miền Bắc cũng là lúa mùa dài ngày, năng suất thấp.
Trái với nông dân Thái, nông dân Việt ít ai muốn trồng lúa với năng suất dưới 5 tấn/ha, lại càng không muốn trồng giống lúa nào dài hơn 3 tháng rưỡi. Các nhà khoa học chuyên về lúa đã và đang nỗ lực lai tạo giống lúa vừa ngon thơm vừa ngắn ngày vừa cho năng suất trên 5 tấn/ha nhưng cho đến nay vẫn còn là thách thức lớn. Do đó, VN rất nổi tiếng về trồng lúa năng suất cao nhưng chất lượng có hạn.
Như vậy, gạo ngoại có đất sống ở một đất nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới như VN là bởi chất lượng hạt gạo được người tiêu dùng đánh giá cao. Tất nhiên, trong cuộc lấn sân đó có sự “giúp sức” của một bộ phận người dân sính ngoại ở xứ ta và sự buông lỏng của lực lượng quản lý thị trường ở các tỉnh biên giới. Suy cho cùng, chúng ta đã... tự thua trong cuộc chiến chinh phục và giành giật thị trường.
Bình luận (0)