xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ trò chơi thành bạo lực

Quý Lâm

L.T.S: Du nhập VN mới đây nhưng game online (trò chơi trực tuyến) lan tỏa cực nhanh, nay đã trở thành “ma túy số” hạ gục một bộ phận giới trẻ. Vụ tự tử của em Bùi Tấn Cường, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Vĩnh Kim, huyện Châu Thành - Tiền Giang, hôm 30-8 vì không được trở thành “bá chủ” (Báo NLĐ đã thông tin) là một trong hàng loạt hệ lụy đau lòng từ game

Không ít người trong số những game thủ nhí là thủ phạm hoặc nạn nhân của nhiều vụ án mạng đau lòng liên quan đến các trò bạo lực trong thế giới ảo

 

Vào bất cứ tiệm internet - game nào bây giờ, hình ảnh dễ bắt gặp là cả dãy người mắt chằm chằm nhìn vào màn hình máy tính, miệng liên tục chửi thề.
 
Hình ảnh và âm thanh từ những vụ loạn đả, tranh đoạt, chém giết trong game phát ra thật ồn ào, ghê rợn. Điều khiển trò chơi bạo lực ấy phần lớn là những người đang độ tuổi đi học.
 
Game thủ trở thành hung thủ
 
Không cần phải đợi đến khóa cai nghiện game online, V.T.P, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đã bỏ hẳn tiệm net sau khi lãnh nhát chém chí mạng của một game thủ khác.
 
Khoảng giữa tháng 3-2010, như thường lệ, P. đến chơi game tại tiệm net trên đường Thành Thái, quận 10 - TPHCM. Va quệt và cự cãi với một người trong tiệm, P. bị người kia rút dao lia thẳng vào cổ. Cũng may, nhờ được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện gần đó, P. thoát chết.
 
Bi kịch hơn, Trần Quang Hưng, sinh viên Trường ĐH Quang Trung (TP Quy Nhơn - Bình Định), đã bỏ mạng tại tiệm net trên đường Trần Bình Trọng ở TP Quy Nhơn trong một trận ẩu đả. Hung thủ từng là đối thủ của Hưng trong một trò game online.
 
Thời gian gần đây, những vụ côn đồ nhí lập băng nhóm rồi hẹn thanh toán lẫn nhau tại tiệm net diễn ra khá nhiều. Theo Trần Mạnh Cường (15 tuổi, ngụ phường 15, quận Tân Bình - TPHCM), trong các trò chơi trực tuyến, ngoài việc tranh tài đậm chất bạo lực lẫn nói tục chửi thề, game thủ còn chọc tức, sỉ nhục và thách thức lẫn nhau qua mạng rất hăng máu.  
 
img
Game online có tính chất bạo lực có thể gây hại đến tâm sinh lý những người trẻ tuổi. Ảnh: Tấn Thạnh

Đó là lý do vì sao thỉnh thoảng có cảnh băng này vác hung khí tìm “xử” nhóm khác, gây ra những vụ chém giết hãi hùng tại các địa bàn có tiệm internet - game hoạt động.
 
Mới đây nhất là vụ hỗn chiến giữa hai nhóm thanh thiếu niên tại TP Mỹ Tho - Tiền Giang làm nhiều người bị thương, nghiêm trọng hơn là gây ra cái chết của đại úy công an Trần Minh Nhựt.
 
Chỉ vì những xích mích nhỏ khi đang chơi game, hai nhóm trẻ đã mang dao truy sát lẫn nhau và lạnh lùng hạ thủ cả người đang thi hành công vụ.
 
Cốt nhục tương tàn
 
Bạo lực không chỉ thể hiện trong cách hành xử giữa các game thủ mà sự ức chế gây ra bởi những đứa con hư này đã làm nảy sinh bạo lực gia đình. Nhiều bậc cha mẹ đã dạy con bằng nắm đấm, bạt tai, thậm chí gậy gộc. Điều đó thể hiện sự bất lực của người lớn trước con em mình.
 
Một lần, khi đang check email tại tiệm net ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tôi giật bắn mình vì cú đấm thôi sơn của một người đàn ông vạm vỡ khiến một thiếu niên “bay” ra ngoài. Liền đó, cậu bé hết té sấp lại bật ngửa vì hứng chịu những cú đá, đấm, tát như trời giáng của người đàn ông đó.
 
Sợ xảy ra án mạng, tôi liều xông vào ôm chặt người đàn ông lại và nói như hét với cậu bé: “Chạy ngay đi, kẻo chết đó”. Khi tình hình lắng dịu, mọi người mới biết họ là... cha con. Người cha tên là Thống, cậu bé con ông tên N.M.H, học sinh lớp 8, bỏ học ghé đây chơi game.
 
Ông Thống rươm rướm nước mắt, khóc: “Khốn nạn quá, ngày nào nó cũng bỏ đi chơi game”. “Ông đánh nặng đòn thế, rủi nó chết thì sao?” - tôi lo lắng. “Chứ biết làm sao! Tôi nói hoài mà nó không nghe, đánh thế mà nó còn không chừa. Tôi điên lắm rồi!” - ông Thống phân trần.
 
Còn H., sau khi bị đòn, mặt sưng vù và thâm tím nhưng vẫn đứng đó trâng tráo nhìn ông Thống, ra vẻ thách thức, lát sau hậm hực dắt xe bỏ đi. Ông Thống giận run người, hằn học nhìn người chủ tiệm net rồi quay ra, lao theo con mình...
 
Trong tiệm, những game thủ nhí khác chỉ khẽ ngoái nhìn vụ việc rồi bình thản như không có gì xảy ra, tiếp tục dán mắt vào màn hình. Có lẽ những trận đòn như vậy ở tiệm net đã quá quen thuộc với các em!
 
Anh B.H.Đ, người quản lý một tiệm net trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp - TPHCM), kể: “Qua mấy năm làm thuê cho tiệm net, tôi chứng kiến rất nhiều cảnh đáng buồn của những gia đình có con hay bỏ học trốn đi chơi game online. Còn các vụ thanh toán, hành hung tại tiệm net thì xảy ra liên miên...”.
 

Nghiện game, ra tay tàn độc

 
UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản chỉ đạo công an tỉnh và các cơ quan chức năng đẩy mạnh “tấn công” game online vì tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều ở các bậc học do bị ảnh hưởng từ game.
 
Theo ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, năm học 2009 - 2010, tại các trường học ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra 35 vụ đánh nhau mang tính chất bạo lực học đường.
 
Cá biệt, có trường hợp học sinh gây án để... trả thù thầy giáo hoặc giết ông ngoại hết sức dã man chỉ vì nghiện game online.
 
Điển hình là vụ Phan Quốc Thái, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Văn Thành, huyện Gò Công Tây, dùng dao giết ông ngoại của mình để lấy 850.000 đồng chơi game, sau đó đem thi thể ông vùi xuống sông.
 
Thật chua xót bởi ông ngoại là người nuôi dưỡng Thái từ nhỏ kể từ khi ba mẹ học sinh này bỏ nhau...

M.Sơn

 

Kỳ tới: Bi kịch gia đình
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo