“Cao sơn ngộ hổ chung vô dạng
高 山 遇 虎 終 無 恙
Bình lộ phùng nhân khước bị giam.
平 路 逢 人 却 被 監
Nam Trân dịch vừa hay vừa bám sát nguyên tác:
“Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao”.
Thế nhưng, trong sách “Nhật ký trong tù và lời bình”, nhà phê bình Lê Xuân Đức lại không vừa ý. Ông phân tích như sau: “Nếu dịch “vô dạng” là “vô sự” thì chưa chính xác. Trước tai họa gặp hổ mà nói là “vô sự”, gặp nguy hiểm rồi đấy chứ. Có nhà nghiên cứu cho biết “vô dạng” là lời người xưa hỏi thăm người gặp nguy hiểm nhưng được yên lành, không có chuyện gì xảy ra nên “vô dạng” có nghĩa là bình yên, yên ổn và đề nghị dịch là: Non cao gặp hổ mà yên ổn”.
Chúng tôi xin có mấy lời trao đổi:
1. Thực ra, “có nhà nghiên cứu” mà nhà phê bình Lê Xuân Đức nhắc đến chính là “từ điển”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giảng nghĩa thứ ② của chữ dạng 恙: “Việc gì, như hỏi thăm ai thì nói “vô dạng” 無 恙, không việc gì chứ?. “Từ điển Hán Việt” của Trần Văn Chánh: “Việc gì: 安 然 無 恙 - An nhiên vô dạng - Bình yên không có việc gì; 亦 無 恙 耶? 民 亦 無 恙 耶? - Tuế diệc vô dạng na? Dân diệc vô dạng na? Mùa năm nay được chứ? Dân vẫn bình yên chứ? (Chiến quốc sách)”. “Hán Việt từ điển” - Đào Duy Anh: “Vô dạng 無 恙: Không có tật bệnh, lo lắng gì - không có hề gì, không nguy hiểm gì”.
Ấy là nghĩa của “vô dạng”. Còn “vô sự” được Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giải nghĩa: “vô sự 無 事: tức không việc gì, không gặp rủi ro, tai nạn [như đã lo ngại]: cầu xin cho gia đình mình được bình yên vô sự”. “Tự điển Việt Nam” (Lê Văn Đức): “vô sự, không việc gì xảy đến cho mình, không bị làm rộn: Bình-yên vô-sự; vô-sự, tiểu-thần-tiên”.
“Vô sự” tức không có chuyện gì xảy ra. Mà không có chuyện gì xảy ra nghĩa là bình an, không gặp nguy hiểm chứ còn gì nữa?
2. Nhà phê bình Lê Xuân Đức cho rằng phải thay “vô sự” bằng “yên ổn”. Tuy nhiên, “yên ổn” thường dùng để nói đến cuộc sống nói chung, không có gì đảo lộn hay bị đe dọa bởi thiên tai địch họa, giặc dã (lâu nay thế nào, giờ đây và trong tương lại vẫn như vậy) chứ không gắn với tình huống cụ thể, bình an hay nguy biến. “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “yên ổn 安 穩: tức bình yên, ổn định, không có rối loạn trật tự, không có gì đe dọa: đời sống yên ổn, yên ổn làm ăn, mọi việc trong nhà đã được thu xếp yên ổn. Trái nghĩa: bất ổn”. Như vậy, Nam Trân dịch: “Núi cao gặp hổ mà vô sự” hay và đúng hơn câu “Núi cao gặp hổ mà yên ổn” của Lê Xuân Đức.
3. Lê Xuân Đức thắc mắc: “Trước tai họa gặp hổ mà nói là “vô sự”, gặp nguy hiểm rồi đấy chứ”. Tuy nhiên, tác giả “Ngục trung nhật ký” viết: “Núi cao gặp hổ mà vô sự/Đường phẳng gặp người bị tống lao” là muốn tạo ra hiệu quả so sánh, đối lập giữa hổ và người (cụ thể là chính quyền bắt giam Hồ Chí Minh) để nói “chính sự hà khắc còn đáng sợ hơn hổ dữ”. Truyện “Hà chính mãnh ư hổ” chép: Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà đang khóc lóc ở mộ rất bi thương. Phu tử tựa đòn ngang xe, cúi xuống nghe thấy, sai Tử Lộ hỏi bà rằng: “Tiếng khóc của bà dường như đang có nỗi đau buồn chất chứa?”. Người đàn bà mới trả lời: “Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết vì cọp, bây giờ con trai tôi cũng chết vì cọp”. Phu tử mới hỏi: “Tại sao bà lại không bỏ đi nơi khác?”. Người đàn bà đáp lại: “Vì ở đây chính sự không hà khắc”. Phu tử mới quay lại nói: “Các trò hãy ghi nhớ điều đó. Chính sự hà khắc còn tàn bạo hơn cọp vậy” (theo sách Lễ Ký - Hoàng Tuấn Công diễn đạt lại trên cơ sở bản dịch của Trần Văn Chánh).
Vì không hiểu ý tứ sâu xa trong câu thơ của Bác nên nhà phê bình Lê Xuân Đức sửa lời thơ dịch của Nam Trân: “Núi cao gặp hổ mà vô sự” thành: “Non cao gặp hổ mà yên ổn”(!), “bò lành đánh bò què”, đọc lên thấy tênh hênh như vậy.
Bình luận (0)