xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Túc tắc giữ nghề

Bài và ảnh: Các Ngọc

Từ sáng đến tối, không đông đảo ồn ào nhưng giờ nào cũng có khách đến tiệm kem Vi Bổn. Mua lẻ có, mua sỉ có, người đem về ăn, kẻ mang về bán. Kem Vi Bổn được nuôi dưỡng gần 60 năm qua nhờ sự tín nhiệm của khách hàng

Không nhà phân phối, không đại lý, tự sản xuất, bán trực tiếp loại hàng phụ thuộc thời tiết, mùa được, mùa mất, gia đình ông Lý Vĩnh Đạo - bà Võ Thị Hai cùng các con đã khéo vun vén để giữ nghề làm kem. Hàng chục năm nay, nhiều khách hàng đã xem kem Vi Bổn (19 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM) là món ăn không thể thiếu hằng ngày.

Làm ngày nào bán ngày đó

Ông chủ quán cà phê Hello ở đường trục 30, quận Bình Thạnh, TP HCM mỗi ngày đều đến tiệm kem Vi Bổn mua 4 kg kem trái cây đủ loại về bán kem ly cho khách. Ông cho biết từng vào siêu thị mua những loại kem của các thương hiệu lớn về làm kem ly nhưng khách bảo kem ngọt mà gắt cổ. Đến khi được một người giới thiệu kem Vi Bổn, ông mua về phục vụ khách thì họ khen kem dẻo, thơm trái cây tươi mà hậu không gắt cổ. Ông tin kem Vi Bổn không có chất bảo quản vì tiệm làm ngày nào bán ngày đó. Có ngày, khách đến tiệm buổi chiều muộn là không còn kem để mua.

Không chỉ ông chủ quán Hello, chủ một quán cà phê - sinh tố trên đường Lý Chính Thắng, quận 3 cũng bán kem nhiều hơn cà phê, sinh tố. Mỗi ngày, tiệm Vi Bổn chở hơn chục ký kem giao tận nơi cho họ.

Đứng ở tiệm Vi Bổn chỉ một tiếng, từ 17 đến 18 giờ, tôi đã thấy khách đến mua kem có đủ dạng: người mua kem ký về bán kem ly, người mua kem cây về bán lẻ, người mua về nhà dùng. Chị Nguyễn Thị Thật - nhà ở Gò Vấp, TP HCM - cho biết các con chị rất thích kem Vi Bổn. Mỗi khi muốn ăn kem, chị đến mua một lúc 20 cây đủ loại: đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, khoai môn, tắc…, về để tủ lạnh dùng 2-3 ngày.

 

Bà Võ Thị Hai học làm kem từ khi về nhà chồng và cùng các con giữ nghề đến nay
Bà Võ Thị Hai học làm kem từ khi về nhà chồng và cùng các con giữ nghề đến nay

 

Theo chị Thật, giá kem Vi Bổn rẻ hơn nơi khác sản xuất có lẽ do tiệm không mất tiền nhiều vào quảng cáo. Tuy nhiên, vị kem Vi Bổn thật sự đúng với tên từng loại kem, chứ không phải mùi hương đánh lừa cảm giác khi ăn. Khách mua về bán hay dùng trong gia đình, cứ nửa ký kem đều được tiệm tặng một gói đậu phộng rang giã nhuyễn rắc vào cho thơm ngon hơn.

Bà Võ Thị Hai, năm nay đã 81 tuổi, cảm nhận được tình cảm của khách hàng dành cho hiệu kem Vi Bổn. Bà tự hào gia đình mình đã tạo được sự tín nhiệm bằng chính việc sản xuất nghiêm túc. Bà Hai tiết lộ kem đậu xanh chỉ có đậu xanh quết với nước cốt dừa; kem đậu đen, đậu đỏ thì nấu cho đậu thật mềm bùi rồi làm cây kem sao cho khách cắn vào vừa ngọt dẻo kem vừa thơm bùi đậu.

Kem trái cây có nhiều loại: mít, sầu riêng, nhãn, dâu, cam, cầu, tắc…, đều được làm từ trái cây tươi chứ không dùng mùi. Trái cây dùng làm kem ngày nào thì bóc, rửa, xay sử dụng trong ngày đó, không để qua hôm sau. Làm kem khoai môn thì phải sử dụng khoai cau đúng của Châu Đốc mới ngon, chứ cùng ở tỉnh Đồng Tháp mà lấy khoai cau Sa Đéc hay Cao Lãnh cũng không ngon. Kem khó làm nhất hiện giờ là khoai môn, phải xay nhuyễn khoai rồi lược bỏ những miếng sượng nhỏ nhất.

Bà Hai bày tỏ: “Mình tự sản xuất để bán tại chỗ thì bản thân phải ý thức nghiêm túc. Khi làm kem bằng nước cốt dừa mà lỡ sơ ý nạo trái dừa bị hôi ê vào thì phải bỏ ngay cả thau dừa đã nạo đó, nếu không thì làm kem sẽ có mùi thiu. Kem làm ngày nào bán ngày đó, không để qua hôm sau, mặc dù khách mua về để tủ lạnh ăn dần trong 2-3 ngày, kem vẫn ngon”.

Bà Hai rất vui khi thấy nhiều khách hàng đã xem kem Vi Bổn là món ăn không thể thiếu hằng ngày. Bà cho biết có một ông khách ngày nào cũng mua 2 ổ bánh mì nóng giòn rồi đến tiệm Vi Bổn mua 4 cây kem đậu xanh, đậu đỏ, nói là mang về cho vợ chồng ăn bánh mì nhân kem.

Phải làm, phải giữ

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp của hiệu kem Vi Bổn, bà Hai kể cha chồng của bà, cụ Lý Thân, học nghề của một hiệu kem bên Campuchia khi sinh sống ở đó. Về Sài Gòn, cụ Lý Thân lập hiệu kem Vi Bổn năm 1958, dạy cho 7 người con trai làm. Lúc tiệm kem Vi Bổn ra đời thì chợ Đa Kao chỉ là chợ chồm hổm, xung quanh khu vực này mới có vài căn nhà, còn nhiều bãi cỏ. Phía sau nhà có một đầu xe lửa được cất ở đó, không rõ của công ty nào.

Ở Sài Gòn, ngoài tiệm kem Vi Bổn tại Đa Kao, các người con của cụ Lý Thân còn mở thêm 2 tiệm ở đường Phạm Đình Hổ, quận 6; một tiệm ở đường Tùng Thiện Vương, quận 8. Cháu nội của cụ cũng ra tiệm ở cầu Nhị Thiên Đường. Ngoài ra, một người con nữa của cụ Lý Thân là ông Lý Vĩnh Phát mở tiệm ở Châu Đốc làm kem ống, cũng lấy tên Vi Bổn.

Theo thời gian, các tiệm kem Vi Bổn ở các địa chỉ không còn vì con cháu cụ Lý Thân thay đổi nghề nghiệp, chỉ duy nhất tiệm kem ở khu Đa Kao được ông Lý Vĩnh Đạo và bà Võ Thị Hai giữ đến ngày nay. Ông bà theo giữ nghề vì nghĩ kem nhà mình ngon, chắc chắn có người mua, bỏ nghề thì tiếc, không làm giàu hơn thiên hạ nhưng chắc chắn đủ nuôi sống gia đình, miễn sao lúc nào cũng nghe người ta ăn kem Vi Bổn khen một tiếng “ngon” là vui sướng rồi. Thế mà, bà Hai và các con đam mê nghề làm kem này lúc nào không hay, càng làm càng thấy thích.

Theo bà Hai, cụ Lý Thân giải thích tên Vi Bổn mà cụ đặt cho tiệm kem như sau: “Bổn được hiểu là bổn mạng, là cuộc sống; Vi có ý là vì. Vi Bổn có ý nghĩa tiệm kem là bổn mạng, là cuộc sống của gia đình, phải làm vì cuộc sống và phải gìn giữ uy tín để tồn tại, nói nôm na là “phải làm, phải giữ”. Trải qua gần 60 năm, bà Hai thấy gia đình mình đã làm đúng lời cụ Lý Thân dạy. Bà cho biết một người cháu nội của cụ Lý Thân sang Mỹ đã mở cơ sở làm kem hiệu Vi Bổn ở Texas, chỉ bỏ mối cho các nhà hàng chứ không bán lẻ.

Thời mới ra nghề, cụ Lý Thân làm nhiều nhất là kem đậu xanh và kem từ khoai mì tán nhuyễn trộn với sữa đặc, có kem cây và kem bẹ (dài độ 3 tấc, ngang 1 tấc). Những người bán dạo ở các trường học hay mua kem bẹ rồi cắt thành từng miếng nhỏ, lấy que tre dài ghim vào, học trò rất thích. Kem bẹ Vi Bổn có độ dẻo, khá ngon, lại có vị đậu xanh bùi, vị sữa đặc quyện khoai mì bùi béo nên những loại kem ống, kem đá có trước đó dần dần ít người chuộng. Nhiều người bán đổi sang lấy kem bẹ Vi Bổn.

Giờ bà Hai không còn làm loại kem bằng khoai mì trộn với sữa đặc nữa vì rất cực, phải ngâm khoai, lấy xơ, xay nhuyễn mới làm được. Vả lại, khoai mì ngày nay trồng không còn ngon như trước đây.

Kem que đậu xanh là loại kem được làm từ ngày đầu mở cơ sở, làm nên danh tiếng thương hiệu Vi Bổn thời mới lập nghiệp và suốt gần 60 năm, đây vẫn là loại kem được khách rất chuộng. Khách đến mua đã gọi kem que đậu xanh Vi Bổn là kem truyền thống. Nhiều người đi xa đã lâu năm, có dịp về Sài Gòn lại ghé mua kem que đậu xanh ăn, rồi còn chụp hình lấy tên hiệu kem.

Gia đình bà Hai đã nghiên cứu làm ngày càng nhiều loại kem từ trái cây, củ quả. Loại trái cây nào làm chưa ra kem ngon thì không làm. Chẳng hạn xoài, hồng, đu đủ, bà Hai thử rồi, kem ngon nhưng mất hẳn mùi nên bà không làm, chứ nhất định không cho hương liệu vào. Kem làm bằng trái cây thì chỉ khi nào không đúng mùa của loại trái cây, làm ra kem không thể lên giá quá cao thì mới không làm; chứ nếu trái cây mắc lên một chút, kem tăng giá chừng 10%-15% mà khách chấp nhận thì Vi Bổn vẫn làm.

 

Không có khái niệm cạnh tranh

Cùng thời với kem Vi Bổn hồi trước năm 1975, có một số hiệu kem gia đình cũng nổi tiếng nhưng giờ không còn. Trên thị trường từ năm 1990 đến nay, liên tục có những thương hiệu kem lớn nước ngoài vào Việt Nam. Họ tung đội ngũ tiếp thị, đẩy xe kem có nhạc hiệu, chở thùng kem có hình ảnh bắt mắt đi bán khắp đường phố, ngỏ hẻm hay quảng cáo khắp các báo đài. Song, gia đình tiệm kem Vi Bổn cứ túc tắc làm, không có khái niệm cạnh tranh. Tiệm kem do các con, cháu của bà Hai cùng nhau sản xuất, đứng bán hay đi giao hàng cho khách, không thuê nhân công ngoài, có thể nói lấy công làm lời.

 

Khách hàng mua kem Vi Bổn
Khách hàng mua kem Vi Bổn

 

Không quảng bá nhưng tầm ảnh hưởng của thương hiệu kem Vi Bổn cứ lan rộng. Đến nỗi, người ta thấy kem Vi Bổn được khách chuộng nên cũng mở tiệm ở gần chợ Cầu, quận 12, tự tiện lấy tên Vi Bổn. Nhiều người ở khu vực quận 12, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn tưởng nhầm đây là tiệm Vi Bổn chính hiệu nên đến mua, về ăn dở, nghi là “hàng giả” liền báo lại cho gia đình bà Hai. Thế nhưng, bà Hai không kiện cáo gì. Họ làm dở, khách từ từ biết, không mua nữa nên đã dẹp tiệm.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo