“Bỏ lồng chim xuống!”- “hiệp sĩ” Hồ Duy Tân (CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương) quát lớn. Hai gã thanh niên cầm 2 lồng chim vừa trộm được vẫn rồ ga phóng vút xe trên đường. Tân đặt cô con gái 3 tuổi của mình xuống lề đường rồi lao theo chặn đầu xe 2 gã trộm, buộc chúng phải vứt lồng chim lại. Anh mang cặp chim quý vào con hẻm nhỏ gần đó trả lại cho khổ chủ. Người mất chim theo chân anh ra tận đầu hẻm cảm ơn rối rít.
Hai “hiệp sĩ” CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa bắt giữ một tên cướp
Người thân ngăn cản
Trên đây là lần bắt trộm mà Tân thực hiện hôm 5-9, chỉ 2 ngày sau khi đồng đội của anh là Nguyễn Xuân Chinh về với lòng đất do gặp tai nạn lúc bắt cướp .
Chưa bao giờ các “hiệp sĩ” trong CLB Phòng chống tội phạm Phú Hòa bị người thân đồng loạt ngăn cản việc săn bắt trộm cướp như hiện giờ. Cái chết của Chinh đã trở thành tấm gương phản chiếu kết cục bi thảm của cuộc đời những chàng trai mê bắt trộm cướp.
Trưa 6-9, gặp tôi, anh Huỳnh Thanh Hải, một thành viên CLB, buồn bã: “Nhiều người trong nhà thấy tôi vẫn cương quyết theo đuổi việc bắt cướp đã lo sợ bảo rằng: “Thằng Chinh đi rồi sẽ đến lượt bọn mày”. Bây giờ hễ thấy tôi dắt xe ra đường là bố mẹ la rầy dữ lắm”. Thậm chí, một thành viên khác trong CLB còn kể anh bị vợ viết sẵn đơn ly dị và ký sẵn tên với lời hăm he: “Nếu anh còn bắt cướp, đơn sẽ được em gửi thẳng ra tòa”!
Dự đám tang “hiệp sĩ” Chinh, tôi đã ứa nước mắt khi nghe câu nói của ông Nguyễn Xuân Chu, cha anh: “Gia đình tôi không biết lấy gì trả ơn những anh em trong cơ quan Chinh. Mấy ngày nay tang gia bối rối, may mà có anh em trong cơ quan chạy đôn chạy đáo, lo lắng mọi bề”. “Cơ quan Chinh” là cách ông gọi CLB “hiệp sĩ đường phố” mà con mình tham gia.
Khi còn sống, Chinh liên tục mang những tấm giấy khen mà anh được giám đốc Công an tỉnh Bình Dương tặng vì thành tích bắt cướp về nhà treo nhưng không kể gì với ba mẹ về công việc của mình. Điều đó khiến ông Chu lầm tưởng CLB cũng giống một cơ quan công an, cũng có trụ sở, nơi làm việc đàng hoàng. Một lão nông hiền lành như ông Chu không biết rằng “cơ quan” để các “hiệp sĩ”, trong đó có con ông, hội họp và bàn chuyện trấn áp tội phạm chỉ là một quán cà phê vỉa hè gần ngã tư Chợ Đình ở thị xã Thủ Dầu Một.
Thấy cảnh các anh “hành hiệp” mà chúng tôi xót lòng: Ngày nào cũng ngồi triền miên ở “cơ quan”, dõi mắt ra đường phố xem có bóng dáng của kẻ khả nghi không. “Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Trưởng CLB, tâm sự: “Tôi được ba mẹ tài trợ nên chuyện cơm áo không phải lo nhưng nhiều anh em khác nghèo khó lắm. Họ tham gia đã mấy năm trong CLB mà không được hỗ trợ đồng nào. Ngay cả tiền cà phê, tiền đổ xăng, sửa xe..., các anh cũng phải chắt bóp mới đủ để ra đường bắt cướp”.
Không biết từ bao giờ, hơn 10 thanh niên trong CLB đã xem bắt trộm cướp là nghề tay phải, còn cái nghề trước giờ đem lại thu nhập cho họ như: chạy xe ôm, sửa xe, bán nem nướng... chỉ là nghề tay trái. Nhiều “hiệp sĩ” đã đóng cửa tiệm, bỏ khách để chạy theo tiếng tri hô trộm cướp của người dân.
“Thu nhập” từ “nghề” bắt cướp chỉ là số tiền 100.000 đồng mà mỗi anh được nhận kèm theo giấy khen của giám đốc công an tỉnh sau mỗi lần chặn bắt cướp thành công. “Nhưng không phải vụ nào cũng được thưởng tiền và giấy khen đâu. Có nhiều vụ, chúng tôi bàn giao đối tượng cho công an các địa phương và họ nghiễm nhiên xem đó là công lao của họ. Thôi kệ, miễn sao bọn trộm cướp đã bị bắt giữ là được” – “hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh tâm sự.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (bìa phải) dẫn giải hai tên cướp vừa bắt được giao cơ quan công an. Ảnh: NHƯ PHÚ
Khó thể làm ngơ
“Hiệp sĩ” Tân chỉ cho tôi vết thương trên cánh tay phải của anh, kể: “Cách đây vài tháng, bị tôi truy đuổi, 2 tên cướp đã dùng mũ bảo hiểm chọi lại. Khi xe tôi áp sát xe chúng, bất ngờ một đứa giật cổ áo làm tôi té lăn ra đường, cánh tay phải bị dập xuống, máu chảy đầm đìa. Nhờ đồng đội tiếp ứng kịp thời, 2 tên cướp đã phải chịu trói”. Những vết thương, những cú té xe suýt chết và cả các nhát dao phải lãnh khi bọn trộm cướp phản đòn dường như đã trở thành cái giá phải trả khi các anh chọn lấy con đường “hiệp sĩ”.
Tân kể tiền thuốc men, chữa trị cánh tay hơn 2 triệu đồng anh phải tự chạy vạy để lo. Nhưng điều đó không làm anh xót xa bằng việc các “hiệp sĩ” bị một số cán bộ chiến sĩ công an các địa phương la mắng khi giao nộp đối tượng trộm cướp. Họ bảo các anh không có quyền truy bắt, dẫn giải đối tượng. Nhiều lúc đối tượng chối cãi việc phạm tội, các “hiệp sĩ” không chứng minh được nên vô tình trở thành người vu oan.
Ngay khi “hiệp sĩ” Chinh mất, dư luận đã lên tiếng và các anh càng tủi phận “hiệp sĩ” của mình. “Có người bảo chúng tôi đã hành động theo kiểu tự xử, chuyện bắt cướp đã có công an lo, không phải chuyện của chúng tôi; chúng tôi chẳng có quyền hạn, nghĩa vụ gì để làm việc đó cả. Nhưng thú thật, chúng tôi không thể làm ngơ khi nghe tiếng người dân thất thanh tri hô cướp hoặc khi thấy cảnh chướng tai gai mắt đầy rẫy trên phố phường” - một “hiệp sĩ” bức xúc.
Nhà nước đã và đang kêu gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ an ninh trật tự. Tinh thần xả thân phòng chống tội phạm của những thanh niên CLB “hiệp sĩ đường phố” ở Bình Dương thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, chính quy chế hoạt động chưa rõ ràng, thiếu chế độ và sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng... đã biến các “hiệp sĩ” trở thành những người “gàn dở” như cách một số người từng gọi.
Nhật ký hành hiệp
“Hiệp sĩ” Hồ Duy Tân đưa cho tôi xem “sổ bắt cướp” của CLB. Đó là những trang giấy chi chít chữ. Trong sổ ghi tên tuổi của hàng loạt đối tượng trộm xe máy, giật giỏ xách, cướp dây chuyền của người đi đường mà các anh bắt được gần đây.
Tân bảo “sổ bắt cướp” được các anh xem là “nhật ký hành hiệp”. Ngày nào ngòi bút không chạm sang những trang mới của quyển sổ thì hôm đó dường như các anh thấy mình bất lực. Lật đến vài trang giấy trắng phía sau quyển sổ, Tân bộc bạch: “Trộm cướp còn nhiều lắm, 10 quyển sổ như vầy ghi cũng không đủ đâu”. Như minh chứng cho lời của Tân, khi anh chưa kịp khép quyển sổ lại thì từ ngoài ngã tư Chợ Đình, tiếng một người dân kêu cướp vang lên. Tân phóng xe đi như bay. |
Kỳ tới: “Hiệp sĩ” về vườn
Bình luận (0)