Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 19-2, Luật sư Nguyễn Đình Hưng (Văn phòng luật sư Hà Nội), người bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Dương Tự Trọng trong phiên tòa xét xử vụ án "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài", cho rằng: vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước sẽ phải bị đình chỉ bởi không có cơ sở để khởi tố bị can, vì đối tượng bị điều tra đã qua đời, không còn điều kiện để xác định hành vi của một con người.
Về việc này, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, cũng khẳng định: nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết, phải quyết định đình chỉ điều tra.
“Nếu trong trường hợp vụ án “làm lộ bí mật” đó mà chỉ có một mình ông Phạm Quý Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ cả vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can. Nhưng nếu vụ án đó không chỉ có mình ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ đình chỉ bị can với ông Ngọ và vẫn tiến hành điều tra như bình thường” - Luật sư Triển phân tích.
Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai ông Phạm Quý Ngọ là người mật báo cho mình trước khi có quyết định bị khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Từ những lời khai trên của Dương Chí Dũng tại tòa, ngày 8-1, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Tuy nhiên, trả lời báo chí ngày sau đó, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận lời khai này.
Bình luận (0)