Sáng 9-10, tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 50 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Diên Niên- Phước Bình (9-10-1966 và 9-10-2016).
Cách đây 50 năm, một trung đội lính Nam Triều Tiên thuộc Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn Rồng Xanh từ căn cứ Đồi tranh Quang Thạnh (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) ồ ạt tràn vào thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn. Sau khi đến đây, hàng loạt người dân đã bị quân lính dùng tiểu liên bắn xối xả và ném lựu đạn. Tổng cộng có 68 đồng bào, trong đó có 21 cụ già, 47 phụ nữ và trẻ em bị sát hại tại trường học thôn Phước Bình.
Trong khi dân làng Phước Bình chưa kịp chôn cất xong thi thể của những nạn nhân bị giết hại thì 3 ngày sau lính Nam Triều Tiên từ căn cứ núi Tròn (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh) tiếp tục mở cuộc càn quét vào thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn. Chúng bắt toàn người già, phụ nữ và trẻ em đến tập trung ở sân vườn đình Diên Niên. Đến 5 giờ chiều cùng ngày, sau khi thực hiện xong việc dồn dân, chúng đồng loạt xả đạn vào người dân lương thiện trong tay không một có một vũ khí nào. Trong phút chốc, chúng đã tàn sát dã man 112 người dân thôn Diên Niên vô tội.
Cả hai vụ thảm sát Diên Niên – Phước Bình, lính Nam Triều Tiên đã tàn sát 180 thường dân vô tội. Vụ thảm sát này là một vụ việc điển hình trong rất nhiều tội ác dã man mà lính Nam Triều Tiên đã gây ra cho nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Trong sáng 9-10, hàng trăm người thân thôn Diên Niên và Phước Bình đến dâng hương thắp nén nhang tưởng nhớ lại người thân đã mất trong vụ thảm sát. Trong số đó có nhiều người mất cha, mất mẹ trong vụ thảm sát. Họ cùng nhau thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về một quá khứ đau buồn đã trôi qua.Ông Võ Văn Luận (60 tuổi, ngụ thôn Phước Bình, xã Tịnh Sơn) – một trong những người thoát chết đã nghẹn ngào kể lại câu chuyện cách đây 60 năm. “Lúc đó tôi mới 10 tuổi, nghe có quân Hàn về thì chúng tôi lùa trâu chạy trốn. Đến chiều tối tôi nghe cả gia đình 9 người gồm ông bà nội, ngoại chú bác ruột đều bị bắt dồn về trường học rồi họ bị bắn chết. Vụ thảm sát xảy ra nhà nào cũng có người chết, làng quê kiệt quệ điêu tàn”, ông Luận kể.
Đã 50 năm từ ngày vụ thảm sát xảy ra, hiện tại cuộc sống người dân thôn Phước Bình và Diên Niên đã ổn định, đa phần người dân đã thoát khỏi nghèo đói, kinh tế cũng phát triển từng ngày.
Bình luận (0)