Sau bữa ăn sáng, tàu Cảnh sát biển (CSB) của Việt Nam 8003 cùng các biên đội tàu CSB 2013, 2015, 2016, 4032, 4033 cùng các tàu Kiểm ngư của Việt Nam khởi hành đi sâu vào phía giàn khoan do Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống trái phép.
Trung Quốc tập trung lực lượng sẵn sàng cản trở các hoạt động của tàu Việt Nam
Lúc 8 giờ 30, khi các tàu chấp pháp của Việt Nam tiến vào vùng đặt giàn khoan trái phép khoảng 8 hải lý, lập tức nhiều tàu Trung Quốc ra ngăn cản quyết liệt các tàu Việt Nam.
Đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB Việt Nam 8003 chỉ đạo đóng các cửa tàu lại, đồng thời các chiến sĩ cũng như các PV mặc áo phao để đề phòng tàu Trung Quốc phun vòi rồng.
Tàu CSB Việt Nam 8003 phát loa yêu cầu các tàu nước ngoài ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa Việt Nam, sáng 15-5
Đúng 8 giờ 32 phút, tàu Trung Quốc số hiệu 3411 lao tới quyết liệt ngăn cản tàu CSB Việt Nam 8003 đi về giàn khoan. Tàu CSB Việt Nam 8003 phát loa yêu cầu các tàu nước ngoài ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa Việt Nam, tàu Trung Quốc cũng ngang ngược phát loa với nội dung bịa đặt, sai sự thật, yêu cầu tàu Việt Nam rút khỏi vùng biển “chủ quyền Trung Quốc”.
Đến 8 giờ 40, tàu Trung Quốc 3411 đã vượt lên chặn ngay trước mũi tàu CSB Việt Nam 8003, không cho tiếp cận sâu vào hướng giàn khoan. Ngay sau đó, tàu Trung Quốc 3411 bất ngờ quay đầu lại phía sau rồi chạy sang hướng bên phải, kẹp sát tàu CSB 8003 của Việt Nam. Cùng lúc này một tàu khác của Trung Quốc số hiệu 2112 cũng tiến lên kẹp bên phải tàu 8003. Phía sau, một tàu Trung Quốc 31101 cũng vượt lên bám đuôi tàu CSB 8003 của Việt Nam.
Tàu CSB 8003 của Việt Nam bị kẹp giữa 3 tàu lớn của Trung Quốc, tình thế hết sức căng thẳng. Lúc này, đại úy Nguyễn Văn Hưng ra tận hành lang tàu để trực tiếp quan sát, chỉ huy.
3 tàu Trung Quốc quyết liệt bám theo tàu CSB Việt Nam 8003, khi tàu ra khỏi khu vực cách giàn khoan khoảng 10 hải lý, các tàu Trung Quốc mới chịu dừng lại.
Trong khi đó, các tàu CSB Việt Nam 2016, 2015 quyết tâm bám sát, tiếp cận tàu Trung Quốc số hiệu 3411, đồng thời tàu CSB Việt Nam 4032 và 2013 cũng tiếp cận tàu Trung Quốc 2112 để tuyên truyền, yêu cầu tàu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung tá Phan Văn Cường, trợ lý tác chiến trên tàu CSB 8003, cho biết phía Trung Quốc đã bố trí tăng số lượng tàu quanh giàn khoan lên 86 tàu, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa và 2 tàu đổ bộ có trực thăng.
“Dù Trung Quốc có điều thêm 100 tàu hay 200 tàu đến quanh khu vực dựng đặt giàn khoan trái phép cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam vẫn không hề nao núng, vẫn kiên định, quyết tâm bám trụ ở vùng biển chủ quyền Việt Nam cho đến khi nào Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng tôi mới an lòng” – thượng úy Bùi Văn Sơn quả quyết.
Theo quan sát của PV Báo Người Lao Động, xung quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, những ngày qua các tàu ngư dân của Việt Nam vẫn đang quyết tâm bám biển với sự hỗ trợ của các tàu thực thi luật pháp của Việt Nam.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ sáng 15-5
Bình luận (0)