xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tường thuật phiên chất vấn đầu tiên tại Ủy ban thường vụ Quốc hội

Thái An

(NLĐO)- Lạm phát tăng cao là chủ đề “nóng” của cả nước đã được truyền vào nghị trường ngay trong phiên thí điểm chất vấn đầu tiên tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 28-3.

Ngoài 2 bộ trưởng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, còn có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc cũng tham dự, để trả lời những vấn đề liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cuối năm 2007, đầu 2008, VN gặp nhiều khó khăn, dù GDP tăng 7,4%, xuất khẩu đạt 22% nhưng chỉ số giá (CPI) 3 tháng tăng đến 9,19%, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2007. Nhờ các giải pháp triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt, đến tháng 3, CPI đã chững lại.

Theo bộ trưởng, nguyên nhân là do thị trường quốc tế, kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt kinh tế Mỹ đang suy thoái, thị trường thế giới liên tục tăng cao trong suốt đầu năm. Quý I/2007, giá xăng dầu tăng hơn 51%, phôi thép tăng 43%, lương thực thực phẩm tăng 21,53%. Đây là điều bất khả kháng khi hội nhập sâu thế giới. Tổng kim ngạch nhập khẩu 80% GDP, nhập khẩu nguyên liệu rất lớn (trên 65% là nguyên nhiên liệu sản xuất). Về nguyên nhân trong nước, sâu xa do trình độ phát triển, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; thiên tai dịch bệnh; nhu cầu và sức mua, khả năng thanh toán của tầng lớp nhân dân tăng cao; Dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài nhiều nhưng khả năng hấp thụ chưa cao; TTCK sụt giảm; Nhà nước từng bước thực hiện giá thị trường, xóa bù lỗ cho một số mặt hàng.

Các giải pháp kiềm chế được bộ trưởng đưa ra là: Mục tiêu số một là kiềm chế lạm phát, giữ không để lạm phát cao hơn năm 2007.

Tạm dừng phát hành trái phiếu Chính phủ ra quốc tế. Chỉ tiêu Chính phủ giao 37.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ, phải kiểm soát chặt chẽ.

Chính sách tiền tệ: Điều hành thận trọng, linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của hệ thống ngân hàng, tín dụng, góp phần kiềm chế lạm phát

Về chính sách phát triển thị trường vốn, TTCK: Tạo điều kiện để thị trường ổn định, phục hồi. Nghiên cứu cho phép mở công ty quản lý Quỹ 100% vốn nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại VN. Cho phép nhà đầu tư nươc ngoài mua đến 40% cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết. Cho phép SCIC tập trung mua vào các cổ phiếu có tỷ trọng lớn, góp phần bình ổn thị trường.

NHNN cũng yêu cầu cho vay tái chiết khấu với lãi suất 9% khi NHTM thiếu thanh khoản tạm thời mà không thể đi vay ở kênh khác với mức lãi suất 9%....

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa dứt lời, ĐBQH Hồ Quốc Dũng (Bình Định) chất vấn ngay: "Tại kỳ họp cuối năm 2007, Chính phủ báo cáo CPI 2007 thấp hơn GDP nhưng thực tế là 12,63%, lý do tại sao, có phải là do công tác dự báo yếu kém. “Trong báo cáo, bộ trưởng nêu toàn nguyên nhân khách quan (giá thế giới, thiên tai, dịch bệnh), không có nguyên nhân chủ quan là do công tác điều hành của Chính phủ còn yếu kém?”.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh biện minh: "Tại thời điểm báo cáo QH tháng 10-2007 thì chỉ số giá thấp hơn, mục tiêu của Chính phủ là quyết tâm đạt chỉ số giá thấp hơn GDP. Sau đó, do tình hình thực tế, Chính phủ đã họp, xem xét và rút ra một số nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân do dự báo, đánh giá tình hình không sát thực tế, kể cả thế giới và trong nước.

Tại kỳ họp QH, dự báo giá dầu khoảng hơn 75 USD/thùng, đưa ra kế hoạch cho 2008 bình quân 64 USD/thùng dầu thô. Lúc đó các chuyên gia quốc tế dự báo cũng có dưới 80 USD. Chính vì thế các chính sách chưa sát.

Đến giờ phút này, Chính phủ chưa đánh giá là quý I điều hành kém. Tất cả những giải pháp quý I là hết sức tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tôi khẳng định đến giờ phút này, tôi không thấy các chính sách điều hành của chính phủ là sai. Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, chỉ đạo, họp bàn làm hàng ngày. Ví dụ TTCK sáng có chuyện, trưa đã có chỉ đạo ngay...”

Đồng thuận với ý kiến của bộ trưởng, nhưng ĐB Nguyễn Hữu Cường (Nghệ An) hỏi thêm: “Có phải do nguyên nhân tăng lương vào dịp Tết, tăng giá xăng dầu ở thời điểm độc quyền, đầu cơ, độc quyền làm tăng giá. Dù Chính phủ rất nỗ lực nhưng rõ ràng là điều hành chưa đúng! Hiện lạm phát VN cao nhất khu vực, vì sao?”

Tính đến hết 27-3, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được 32 chất vấn thuộc về vấn đề điều hành, lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng và 13 bộ trưởng.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết điều chỉnh giá có tác động tích cực. Trước đó, Chính phủ đã có cân nhắc nhiều mặt nhưng có khuyết điểm là bao cấp quá, lẽ ra phải điều chỉnh từ trước. Giá xăng dầu nhà nước đã điều chỉnh nhưng vẫn lỗ hơn 11.350 tỷ đồng năm 2007, nếu không điều chỉnh sẽ còn lỗ 13.000 tỷ. Nếu không điều chỉnh trong cơ chế thị trường thì ngoài chuyện bù lỗ, còn chuyện bao cấp tràn lan. Hiện 40% xăng dầu do DN nước ngoài, liên doanh sử dụng. Giá xăng dầu thấp hơn Lào và Campuchia nên vừa khó quản lý, buôn lậu, có người lại bảo bao cấp cho cả Đông Dương. Việc điều chỉnh giá lần này còn là điều chỉnh phương thức quản lý giá xăng dầu…

Nếu không điều chỉnh giá, có khả năng thiếu hàng hóa. Cùng với điều chỉnh, Chính phủ đã lường khó khăn cho người dân và đã có chính sách hỗ trợ. Riêng hỗ trợ ngư dân khoảng trên 2.000 tỷ. Tổng cộng chính phủ đã hỗ trợ trên 10.000 tỷ đồng.

Theo tôi các biện pháp điều hành là đúng. Các biện pháp bình ổn đã bước đầu có tác động. Ví dụ, ngân hàng bắt đầu đi vào ổn định, trước có lúc lãi suất qua đêm lên tới 30%. Giá dầu giữa tháng 3 lên tới 111,6 USD/thùng, giá trong nước tháng 3 vẫn thấp hơn.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu báo cáo thêm về tình hình lạm phát liên quan đến chính sách tiền tệ. Theo ông Giàu, năm 2007, Thủ tướng đã phê bình ngân hàng rất nặng, chúng tôi đã nhận khuyết điểm đó. Khuyết điểm chủ quan của NHNN nếu như điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, dự báo tốt hơn để có giải pháp đồng bộ hơn thì CPI không tăng cao như vậy. NHNN cũng không dự báo được lượng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào VN.

"Đầu 2007, nguồn đầu tư gián tiếp đổ vào, NHNN giải quyết bằng cách mua vào ngoại tệ. Tháng 4 và 5-2007, tôi chưa về NHNN, ngày 28-5, sau khi có chỉ đạo, đã phát hành 40.000 tỷ đồng, sau đó tôi về phát hành thêm 50.000 tỷ đồng, để hút bớt lượng tiền. Hiện giờ, Chính phủ là con nợ lớn. Lượng tiền cung ứng Chính phủ phê duyệt cho ngành ngân hàng, chúng tôi sử dụng 97%. Chúng tôi khẳng định không phải in tiền ra để tăng tín dụng.

Năm 2008, thủ tướng yêu cầu NHNN phải kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán. Năm nay mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 30%. Quý I, tổng dư nợ tăng trưởng là 10%, tương đối cao nhưng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 1%. Như vậy sẽ đạt mục tiêu", ông Giàu nói.

Cuối giờ sáng và đầu giờ chiều nay 28-3, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn 2 vấn đề: Việc thi công và công tác quản lý Dự án giao thông, thủy lợi Ô Môn – Xà No; Tình trạng giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là vật tự và các dịch vụ nông nghiệp) tăng cao, hướng khắc phục để bảo đảm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát báo cáo từ tháng 1-2007 đến nay, giá phân bón DAP tăng khoảng 5.500 đ/kg, phân u rê tăng khoảng 7.000 – 7.200 đ/kg; thuốc bảo vệ thực vật tăng khoảng 30-40%, giá giống lúa tăng 20%; giá thuốc thú y tăng 15%... Nguyên nhân do 50% nhu cầu phân bón, 20% ngô, 100% khô dầu, 45% bột cá và 100% chất phụ gia để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, gần 100% thuốc bảo vệ thực vật, 70% thuốc thú ý, 100% xăng dầu phục vụ sản xuất trong nước đều phải nhập khẩu theo cơ chế thị trường trong điều kiện giá thế giới tăng liên tục. Giá vật tư tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.

Mặt khác, diễn biến dịch bệnh, thiên tai phức tạp… đã làm tăng giá thành sản xuất. Giá thành 1 kg lợn hơi ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) khoảng 28.500 đ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2007; giá thành 1 kg lúa ở ĐBSCL tăng từ 1.500đ lên 2.170đ, ở ĐBSH từ 2.000 đ lên 3.750 đ, ở miền Trung tăng từ 2.220 đ lên 3.190đ. Giá cả vật tư tăng cao đã gây khó khăn trong việc mở rộng sản xuất do nông dân không đủ vốn đầu tư, trong khi việc vay vốn ngân hàng còn gặp khó khăn.

Để khắc phục, đảm bảo hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo một số biện pháp như hướng dẫn nông dân trồng trọt theo quy trình “3 tăng, 3 giảm” – tiết kiệm giống, phân bón, nước, thuốc trừ sâu; chỉ đạo chặt chẽ cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy để phòng tránh bệnh và thời tiết bất lợi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo các nhà máy sản xuất vật tư trong nước tăng tối đa công suất để tăng thêm nguồn cung ứng cho nông dân. Trước mắt, nhà máy đạm Phú Mỹ duy trì dự trữ thường xuyên khoảng 70.000 tấn u rê và tham gia nhập khẩu phân bón.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: “Có dư luận cho rằng Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp (doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, tổng giám đốc Trần Văn Khánh của doanh nghiệp này vừa bị bắt về tội tham ô-PV) và một số doanh nghiệp vật tư nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá phân bón bằng cách nhập phân bón về rồi bán sang tay, đẩy giá lên, Bộ trưởng có biết không?”.

Ông Cao Đức Phát thừa nhận: “Báo cáo của cơ quan chức năng qua kiểm tra cho thấy có tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón rồi bán sang tay. Thậm chí hàng chưa bốc khỏi tàu lên bờ đã bán sang tay”. Tuy nhiên, có hay không tình trạng đầu cơ làm tăng giá, ông Phát thanh minh bằng việc lý luận các quy luật của thị trường: “Thị trường điều chỉnh hành vi. Do không để doanh nghiệp độc quyền nên các doanh nghiệp phải cạnh tranh, cắt giảm chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp dù có bán sang tay nhưng cũng phải nhìn giá bán đến tay người nông dân theo quan hệ cung - cầu. Bộ theo dõi để không xảy ra tình trạng độc quyền, không để thiếu hụt. Doanh nghiệp phải tuân thủ Luật thương mại, không thể đẩy giá lên”.

Không hài lòng, ông Danh Út chất vấn tiếp: Giá phân bón tăng 1,5 lần, giá lúa chỉ tăng có 30%, thì người nông dân còn lời bao nhiêu? Xăng dầu tăng giá 40% nhưng giá thủy hải sản chỉ tăng có 10%; mỗi con tàu công suất 450 CV ở Kiên Giang ra biển lỗ 80 triệu đồng, trong khi Nhà nước hỗ trợ có 8 triệu đồng/chuyến. Vì sao các biện pháp kiềm chế giá của Chính phủ có kiềm chế giá lương thực thực phẩm mà không có giải pháp kiềm chế giá vật tư nông nghiệp?

Ông Phát giải thích: Chúng tôi chia sẻ với bức xúc của bà con ngư dân. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT thực hiện nhiều biện pháp kiềm chế giá vật tư để giá thành đến tay người nông dân thấp nhất. Đến nay hầu hết thuế nhập khẩu các loại vật tư đã giảm xuống 0%.

ĐB Lê Văn Tâm (Cần Thơ) chất vấn: Đến 31-12-2007, dự án giao thông, thủy lợi Ô Môn – Xà No đã kết thúc khoản vốn vay nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nhiều hạng mục chưa sử dụng đã xuống cấp?

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình: Dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL với tổng trị giá hơn 142 triệu USD, trong đó tiểu dự án Ô Môn – Xà No có nhiệm vụ kiểm soát lũ cả năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo vệ vườn cây ăn trái và hệ thống hạ tầng cơ sở; Xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn, cải tạo đất; Kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ; Cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái cho một vùng rộng 45.430 ha thuộc Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang.

Theo ông Phát, dự án kéo dài do các nguyên nhân trong quá trình thực hiện có sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, yêu cầu phát triển bền vững, khó khăn trong công tác đền bù GPMB và địa chất công trình rất xấu, phức tạp dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đến 31-12-2007, đã kết thúc khoản vốn vay, trong năm 2008, còn tiếp tục hoàn thiện một số phần việc còn lại để hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi vùng Ô Môn – Xà No vẫn còn một số tồn tại như 82 của kênh, rạch còn bỏ ngỏ làm các tuyến đê không liên tục ảnh hưởng đến giao thông bộ cũng như việc kiểm soát lũ. Các kênh cấp 2 bị bồi lắng, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu và giao thông thủy.

Chiều cùng ngày Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đã trả lời thêm những vấn đề liên quan.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo