Ngày 13-5, ông Nguyễn Ngọc Hà (SN 1980; ngụ thôn 6B, xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) - bị cáo trong vụ án trộm dây tiêu ở Đắk Lắk - cho biết đang làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt ông 7 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản".
Mâu thuẫn định giá tài sản
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar, khoảng 21 giờ ngày 5-5-2016, ông Hà sang vườn ông Nguyễn Quang Côi (cùng ngụ thôn 6B) cắt trộm dây tiêu của 16 trụ tiêu. Số dây tiêu trộm được ông Hà cắt nhỏ thành 267 đoạn, trong đó 232 đoạn bán cho 4 người với số tiền 3,85 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, ông Hà đã tự nguyện bồi thường cho gia đình bị hại 16 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hà cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm
Cũng theo kết luận điều tra, qua thẩm định, Hội đồng Định giá tài sản (ĐGTS) huyện Ea Kar kết luận 16 trụ tiêu Vĩnh Linh đã trồng 3 năm (loại A) của ông Côi trị giá 2,8 triệu đồng, giá trị thiệt hại về vườn tiêu sau 2 năm là 5,12 triệu đồng; tổng giá trị tài sản thiệt hại 7,92 triệu đồng. Sau đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar tiếp tục trưng cầu giám định lại tài sản tại Hội đồng ĐGTS trong tố tụng hình sự tỉnh Đắk Lắk và được cơ quan này kết luận giá trị thiệt hại của 16 trụ tiêu là 2,8 triệu đồng. Riêng 267 đoạn dây tiêu không có căn cứ để định giá.
Dù vậy, VKSND huyện Ea Kar cho rằng kết quả thẩm định của Hội đồng ĐGTS trong tố tụng hình sự tỉnh Đắk Lắk không đầy đủ bằng kết luận của Hội đồng ĐGTS huyện Ea Kar. Do đó, cáo trạng của VKSND huyện Ea Kar vẫn kết luận thiệt hại tài sản trong vụ trộm là 7,92 triệu đồng.
Bản án bất nhất
Ngày 3-5-2017, TAND huyện Ea Kar mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Hà về tội "Trộm cắp tài sản". Theo bản án, VKSND huyện Ea Kar căn cứ vào kết quả giám định tài sản để buộc bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giá trị tài sản chiếm đoạt 2,8 triệu đồng đối với 16 trụ tiêu bị cắt trộm là không phù hợp, bởi giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt là giá trị của 267 đoạn dây tiêu.
Trước đó, TAND huyện Ea Kar đã trả hồ sơ yêu cầu trưng cầu giám định đối với 267 đoạn dây tiêu bị cắt. Tuy nhiên, cả 2 lần trả hồ sơ, VKSND huyện Ea Kar đều giữ nguyên quan điểm.
Cũng theo bản án, trong vụ án này, do không xác định được toàn bộ giá trị 267 đoạn dây tiêu nên việc xem xét và quyết định mức hình phạt đối với bị cáo không được đầy đủ, toàn diện. Tuy vậy, căn cứ vào giới hạn của việc xét xử theo quy định tại điều 196 Bộ Luật Tố tụng hình sự là "Tòa án chỉ xem xét những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà viện kiểm sát truy tố…" nên HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hà 7 tháng tù giam.
Chuyện hy hữu là ngay trong bản án này, HĐXX kiến nghị cấp phúc thẩm (trong trường hợp bản án có kháng cáo, kháng nghị), cấp giám đốc thẩm (trong trường hợp bản án không có kháng cáo, kháng nghị) xem xét hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để trưng cầu định giá toàn bộ 267 đoạn dây tiêu, để làm căn cứ xem xét, quyết định hình phạt đối với bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Sự bất nhất của bản án đang gây ra nhiều tranh luận và đây cũng là lý do mà bị cáo Hà làm đơn kháng cáo.
Không có căn cứ buộc tội
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo quy định, trị giá 16 trụ tiêu trồng 3 năm loại A của ông Côi là 2,8 triệu đồng, đây là căn cứ bồi thường trong trường hợp nhà nước thu hồi đất. Việc cơ quan chức năng đã sử dụng giá này để buộc ông Hà chịu trách nhiệm hình sự là không có căn cứ pháp lý. Bởi lẽ, hành vi của ông Hà là trộm cắp 267 đoạn dây tiêu chứ không phải trộm cắp toàn bộ 16 trụ tiêu. Trong khi đó, 267 đoạn dây tiêu này không có căn cứ nào định giá nên không có căn cứ buộc tội. "Theo tôi, cơ quan chức năng nên đình chỉ vụ án, ra quyết định xử lý hành chính, vừa bảo đảm tính răn đe vừa đúng quy định của pháp luật" - luật sư Tòng đề nghị.
Bình luận (0)